Năm 2020 Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp

(PLO) - Ngày 12 – 14/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra với chủ đề Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, phát huy sức mạnh tổng hợp, phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ và công nghiệp vào năm 2020.
Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Luôn duy trì mức tăng trưởng cao so với  cả nước
Theo Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Quảng Ninh đạt 9,2%/năm (cả nước là 5,82%). Năm 2015, tổng sản phẩm kinh tế đạt khoảng 100.300 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010, đưa thu nhập đầu người đạt 3.900 USD/năm, vượt chỉ tiêu đề ra từ 3.000 – 3.050 USD/người/năm. 
Quảng Ninh cũng là địa phương luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành có số thu cao nhất cả nước. Trong đó, thu nội địa tăng bình quân 14%/năm. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng bình quân 7,9%/năm, nền kinh tế từng bước chuyển từ “nâu” sang “xanh” khi cơ cấu nền kinh tế được đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học công nghệ cao và phát triển bền vững như du lịch, dịch vụ thương mại, logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đưa ngành dịch vụ chiếm từ 39,3% năm 2010 lên 43,4% năm 2015; tỷ trọng công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 50,6% năm 2015. 
Tỷ trọng đầu tư công giảm dần từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015, đầu tư nước ngoài tăng mạnh từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015, đầu tư tư nhân chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư.
Giai đoạn 2010 – 2015, Quảng Ninh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, quyết tâm xây dựng cơ chế thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, các tuyến đường ra cửa khẩu và các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp. Với 4 thành phố và 2 thị xã, Quảng Ninh có tỷ lệ đô thị hóa tới 64%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 33,7%, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Ngành du lịch tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế của một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Danh thắng Yên Tử và Khu du lịch biển Cô Tô, Vân Đồn với những sản phẩm du lịch đặc sắc như Canavan Hạ Long, Tuần du lịch Tuần Châu đã đưa tổng số du khách đến Quảng Ninh trong 5 năm ước đạt hơn 36,1 triệu lượt, tăng bình quân 7,4%/năm; trong đó khách quốc tế là 12,6 triệu lượt, tăng bình quân 5,5%/năm. Doanh thu từ du lịch ước đạt 24.800 tỷ đồng, tăng bình quân 18,1%/năm.
Đề án xây dựng hai khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái, Đề án xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tại KKT Vân Đồn đã được Bộ Chính trị cho chủ trương. 
Kết hợp cải cách thủ tục hành chính với phát triển nguồn nhân lực, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với việc hoàn thiện các quy hoạch chiến lược để phát triển đồng bộ, bền vững, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành tổng thể 7 quy hoạch chiến lược quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vùng tỉnh, sử dụng đất, du lịch, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, nguồn nhân lực tầm nhìn đến năm 2030 phục vụ đắc lực cho Chiến lược phát triển Hai hành lang một vành đai kinh tế, Chiến lược Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng...
Thành tỉnh dịch vụ và công nghiệp vào năm 2020
Dự thảo Báo cáo nêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ và công nghiệp, là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử với các chỉ tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11 - 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 7.000 - 8.000 USD, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 84 - 89%; đạt 12 bác sĩ/1 vạn dân, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm 0,7%/năm...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Dự thảo chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở huy động, sử dụng nguồn lực bảo đảm nguyên tắc nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư các công trình động lực có sức lan tỏa; huy động tối đa, vận dụng có hiệu quả PPP, nguồn lực đầu tư từ xã hội gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị, đảm bảo an sinh xã hội…
Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội là tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển, nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ: Phát triển du lịch một cách toàn diện theo quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo tồn và khai thác tốt nhất Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…
Hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ với Trung Quốc thông qua các KKT Cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh gắn với các ngành dịch vụ vận tải, cảng biển bảo hiểm, viễn thông, tài chính. 
Cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, gắn quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường với chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với các địa phương của các quốc gia thuộc Đông Bắc Á, Đông Nam Á, khu vực châu Âu, Mỹ; các nước trong Diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF)... Phát huy tối đa vai trò cửa ngõ, cầu nối quan trọng ASEAN với Trung Quốc. 
Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng trên cơ sở đổi mới tư duy, nâng cao tầm chiến lược trong việc ban hành chủ trương, chính sách, tránh “tư duy nhiệm kỳ”; tăng cường lắng nghe, đối thoại, tạo sự đồng thuận xã hội, nhất là trong giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm gắn với đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đẩy mạnh phòng ngừa và kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, lãng phí sẽ đưa Quảng Ninh đứng trước những cơ hội phát triển mới. 

Đọc thêm