Chuyện xây dựng tượng đài Anh hùng Gherman Titov ở Vịnh Hạ Long

(PLO) -Ngày 14/9/2015, tượng đài nhà du hành vũ trụ Gherman Titov, Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Việt Nam, sẽ chính thức được khánh thành tại Vịnh Hạ Long.
Vận chuyển tượng Titov ra đảo
Vận chuyển tượng Titov ra đảo

Gherman Titov được đích thân Bác Hồ dẫn đi thăm Vịnh Hạ Long và được Bác “tặng” một hòn đảo ở đây. Ông là người lãnh đạo Hội Hữu nghị Xô – Việt và Nga – Việt liên tục mấy chục năm, có đóng góp to lớn vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự hợp tác toàn diện giữa Liên Xô, LB Nga và Việt Nam.

PLVN trân trọng giới thiệu bài viết của  nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Ủy viên thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga, Tổng biên tập tạp chí “Bạch Dương”, về quá trình thực hiện dự án tượng đài Titov ở Vịnh Hạ Long.

"Truyền thuyết" đảo Titov

Năm 1962, gần 5 tháng sau khi thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ trên con tàu “Phương Đông 2”, Gherman Titov được Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam. Nhà du hành vũ trụ 26 tuổi này được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón tiếp hết sức nồng hậu, chân tình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ra đón, tặng hoa, ôm hôn thắm thiết Gherman Titov và cùng với nhà du hành vũ trụ đứng trên xe mui trần đi qua nhiều con phố thủ đô Hà Nội giữa rừng người vẫy cờ Liên Xô, cờ Việt Nam và giương cao ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh Gherman Titov reo hò chào đón. 
Bác Hồ đã tiếp, nói chuyện thân mật với Gherman Titov tại Phủ Chủ tịch. Tối 21/1/1962, tại cuộc chiêu đãi trọng thể chào mừng Anh hùng, phi công vũ trụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Gherman Titov danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.

Sáng hôm sau, ngày 22/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Gherman Titov đáp máy bay về thăm khu mỏ than Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và thăm Vịnh Hạ Long. Bác Hồ và Gherman Titov đi thăm Vịnh bằng tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trên tàu, Bác và nhà du hành ngồi bên nhau, Bác làm “hướng dẫn viên du lịch” cho vị sứ giả của đất nước Xô-viết anh em. Có lúc Gherman Titov cầm lái và Bác Hồ đóng vai một người hoa tiêu. Có lúc Gherman Titov say sưa đứng bên mạn tàu bấm máy quay phim ghi lại những hình ảnh biển đảo Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp. Khi tàu gần đến một hòn đảo có bãi cát vàng, Bác Hồ đề nghị Gherman Titov và những người cùng đi lên đảo ngắm cảnh, nghỉ ngơi và ăn trưa ở đây.

Từ con tàu Hải quân, Bác Hồ cùng Gherman Titov và hai người nữa đi trên một chiếc xuồng vào đảo. Dịp đó thời tiết ở Vịnh Hạ Long hơi lạnh, khoảng 16 độ C, nhưng nhà du hành vũ trụ Gherman Titov cởi trần, chỉ mặc chiếc quần bơi, hai tay chèo xuồng thoăn thoắt. Khi vào sát bãi cát, Titov nhảy ra khỏi xuồng rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Đứng ở bãi cát ngập nước biển, Gherman Titov và một cán bộ cùng đi giữ chặt xuồng và chìa tay muốn đỡ Bác Hồ bước xuống, nhưng Người gạt nhẹ tay hai người rồi nhảy xuống rất dứt khoát! Năm đó Bác Hồ 72 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, những bước đi, những cử chỉ của Người rất nhanh nhẹn… 

Bác Hồ nói chuyện với Titov

Bác Hồ nói chuyện với Titov 

Trong lúc nghỉ ăn trưa trên đảo, trong bầu không khí đầm ấm, chân tình, Bác Hồ nói với mọi người rằng Anh hùng, Phi công vũ trụ Liên Xô do còn bận công tác trong nước nên không thể ở Việt Nam mãi được và để ghi nhớ chuyến thăm của Gherman Titov thì “Bác cháu ta đặt tên cho đảo này là đảo Titov”. Mọi người có mặt lúc đó đều cười vui vẻ, đồng tình… Thế là từ ngày 22/1/1962, Vịnh Hạ Long có đảo Titov. Trước đó, khi Bác Hồ hỏi các cán bộ cùng đi về hòn đảo thì một cán bộ Hải quân báo cáo với Bác là hòn đảo được đánh số 48. Chi tiết này được chính Gherman Titov kể lại trong một cuốn phim tài liệu về chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông mà người viết bài này đang lưu giữ một bản sao (bằng tiếng Nga).

Theo nhiều tài liệu và bản đồ ở những thời kỳ khác nhau và theo truyền tụng trong dân gian thì hòn đảo này từng được gọi là đảo Hồng Thập Tự hay đảo Nghĩa Địa. Sở dĩ có tên gọi này là do năm 1905 một tàu chở hàng của Pháp khi vào Vịnh Hạ Long vì không có hoa tiêu thông thạo luồng lạch nên đã đâm vào đá ngầm, bị đắm ở vũng Con Cóc, các thủy thủ thiệt mạng được đưa về chôn ở đảo này. Nhiều năm sau đó, đảo trở nên hoang vắng. Trong một bản đồ của Pháp vẽ về Vịnh Hạ Long cuối thế kỷ 19, đảo có tên là Cát Nàng.

Titov lái tàu đưa Bác Hồ ra đảo.

Titov lái tàu đưa Bác Hồ ra đảo.
 

Đảo Titốp nằm ở khu vực trung tâm Vịnh Hạ Long, tựa lưng vào vịnh Cửa Lục, phía trước là vũng Sửng Sốt có đảo Bồ Hòn, bên phải là hòn Dầm Nam. Trời mây, non nước khu vực này rất đẹp. Đảo Titốp cách cảng tàu Bãi Cháy khoảng 11 km về phía Đông Nam, cách hang Bồ Nâu chừng 1 km về phía Bắc. Diện tích toàn bộ đảo là 2,3 héc-ta, diện tích đất ven đảo làm du lịch khoảng 4 nghìn m2. Đảo có bờ dốc đứng, một bờ nghiêng với một bãi cát trắng, phẳng phiu ngay dưới chân núi. Bãi tắm ở đảo Titốp có hình vầng trăng khuyết ôm trọn lấy chân đảo, bãi tắm tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và lặng sóng, bốn mùa nước sạch, trong xanh. Đảo Titốp là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ vì ở đây có bãi tắm đẹp và sạch mà còn có nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn khác như bơi thuyền, lặn biển, kéo phao, kéo dù... 

Lượng khách du lịch đến đảo Titốp hàng năm khoảng 200 nghìn người. Vào mùa Hè, ngày cao điểm có hàng nghìn khách ghé thăm và tắm biển. Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bước đầu tư cải tạo, nâng cấp bến tàu với chiều dài 65 mét, rộng 12 mét, có khả năng cho 28 tàu ghé vào cùng một lúc. Lần này, cùng với dự án xây dựng tượng đài Gherman Titov trên đảo, tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện dự án mới xây dựng khu vực cảnh quan ngoại thất tượng đài và hoàn thiện cầu tàu, bến bãi làm cho đảo Titov thêm đẹp và có sức thu hút, có thêm nhiều mặt thuận lợi cho du khách đến thăm đảo.

Những tấm lòng tạc nên tượng đài Titov

Sau khi có ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (tại Công văn số 5065-CV/VPTW ngày 1/3/2013), các công việc triển khai xây dựng tương bán thân Gherman Titov trên đảo Titov ở Vịnh Hạ Long được thúc đẩy tích cực cả từ phía Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga cũng như tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 23/3/2013, Thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga chỉ đạo các bộ phận hữu quan của Hội phối hợp tỉnh Quảng Ninh thực hiện những công việc cụ thể, đồng thời yêu cầu Ban chuẩn bị dự án tượng bán thân Titov được thành lập trước đó tiếp tục hoạt động. Ngoài việc phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Hội Hữu nghị Việt – Nga cũng thông báo với Đại sứ quán Nga tại Hà Nội về vấn đề này và thông báo, đề nghị Hội Hữu nghị Nga – Việt cùng phối hợp tham gia vì việc xây dựng tượng Titov là đề xuất của cả hai Hội Hữu nghị.

Tiếp đó, ngày 25/3/2013, đại diện của Trung ương Hội và Ban chuẩn bị dự án đã có buổi làm việc với đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, đạt được sự nhất trí cao từ phía tỉnh Quảng Ninh đối với việc xây dựng tượng đài Anh hùng, Phi công vũ trụ Gherman Titov trên đảo Titov. Đây là một dự án tượng đài quy mô nhỏ nên thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh; đại diện của Hội và Tỉnh thống nhất triển khai các công việc về thủ tục pháp lý cần thiết để bắt tay vào thực hiện dự án. Trong cuộc họp đó, hai bên nhất trí xem xét, lựa chọn vị trí đặt tượng cho phù hợp với tính chất và kích thước của tượng đài, do đó, cần tổ chức chuyến khảo sát thực địa của các nhà quản lý và các nhà chuyên môn để tư vấn cho Hội và Tỉnh lựa chọn địa điểm tốt nhất.

Ngày 17/5/2013, đoàn công tác của Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga gồm cán bộ Ban chuẩn bị dự án cùng các chuyên gia về kiến trúc và điêu khắc (kiến trúc sư Nguyễn Trần Lang, các nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, Kiều Sĩ Khuê và Mai Ngọc Trọng) phối hợp lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện nhiều đơn vị khác của tỉnh Quảng Ninh đi khảo sát thực địa tại đảo Titov. Đoàn đã thống nhất chọn vị trí đặt tượng tại khu vực giữa hai cầu tàu, trước cửa phòng bán vé tham quan hiện nay ở trên đảo, một mặt giáp núi, ba mặt hướng ra biển thoáng đãng. Địa điểm này được Trung ương Hội và Sở VH, TT&DL tỉnh báo cáo với UBND tỉnh Quảng Ninh và sau đó, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có ý kiến đồng ý. Như vậy, những vấn đề cơ bản về pháp lý liên quan dự án xây dựng tượng đài được giải quyết.

Tượng Titov làm bằng đá xanh Thanh Hóa cao gần 6 mét, nặng hơn 26 tấn.
 

Tượng Titov làm bằng đá xanh Thanh Hóa cao gần 6 mét, nặng hơn 26 tấn.

Tiếp theo đó là những công việc rất cụ thể, khẩn trương, theo đúng quy trình. Ban chuẩn bị dự án đã hợp đồng với Công ty TNHH kiến trúc Văn Lang, phối hợp các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh lập hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng tượng đài nhà du hành vũ trụ trình xin ý kiến các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định phê duyệt. Cùng với đó là việc tổ chức lựa chọn mẫu tượng đài. Để thực hiện phần việc này, Ban chuẩn bị dự án phối hợp Sở VH,TT&DL Quảng Ninh mời 4 nhà điêu khắc ở Quảng Ninh, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia sáng tác, đồng thời đề xuất thành phần Hội đồng Nghệ thuật (đối với phần tượng) được Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm thuộc Bộ VH,TT&DL chấp thuận và được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thành lập.

Ngày 26/10/2013, Hội đồng Nghệ thuật họp để xem xét, lựa chọn mẫu tượng, có sự tham gia của  ba tác giả: Kiều Sỹ Khuê (Quảng Ninh), Lê Đình Quỳ (Hà Nội) và Lâm Quang Nới (TP. HCM). Với 100% số thành viên tán thành, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn mẫu phác thảo tượng Titov của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới để chỉnh sửa, nâng cao chuyển sang bước hai. Sau đó, đa số các ủy viên thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga đã tán thành việc lựa chọn mẫu tượng của tác giả Lâm Quang Nới.

Nhân dịp sang Nga tham dự các hoạt động kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Hội Hữu nghị Nga – Việt, ngày 30/11/2013, ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội, Trưởng Ban chuẩn bị dự án, đã giới thiệu mẫu tượng, phối cảnh tượng đài Titov với lãnh đạo Hội bạn và bà Tamara Titova, phu nhân Gherman Titov. Phía bạn đánh giá cao và đồng tình với sự lựa chọn mẫu sáng tác của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, đồng thời chuyển cho Hội Hữu nghị Việt - Nga 14 bức ảnh Titov chụp ở những góc độ khác nhau để tác giả tượng đài tham khảo trong quá trình hoàn thiện mẫu tượng.

Ngày 10/12/2013, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Viêt – Nga Đào Trọng Thi ký Thông báo chính thức quyết định lựa chọn mẫu phác thảo của Lâm Quang Nới.

Tượng danh nhân giữa di sản thiên nhiên thế giới

Bước sang năm 2014, các công việc liên quan dự án tượng đài Titov càng được triển khai khẩn trương. Ngày 16/3/2014, các thành viên tham dự phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Nghệ thuật tại thành phố Hạ Long xem xét mẫu tượng đài đã được tác giả hoàn thiện. Hội đồng chấp thuận để tác giả chuyển sang làm mẫu tượng bằng đất sét. Tiếp đó, ngày 28/3/2014, tại thành phố Hạ Long diễn ra buổi làm việc giữa ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lúc đó, và ông Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga. 
Nhiều cán bộ Trung ương Hội và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh đã tham gia buổi làm việc quan trọng này. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Chủ tịch Hội thống nhất chỉ đạo các cấp, các đơn vị của Tỉnh và Hội đẩy nhanh tiến độ công việc (về mặt bằng ngoại thất tượng đài trên đảo) để tượng đài và tổ hợp tượng đài nhà du hành vũ trụ Xô-viết trở thành điểm nhấn về văn hóa - du lịch của Vịnh Hạ Long.

Do Vịnh Hạ Long là một địa điểm đặc biệt, là di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận hai lần (về các giá trị cảnh quan và các giá trị địa chất, địa mạo), có quy chế quản lý, khai thác đặc thù nên trước khi triển khai xây dựng ngoại thất tượng đài Titov, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp tư vấn với Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Salvador Perez Arroyo và Cộng sự tại Hà Nội (ngày 23/4/2014). Các thành viên tham dự cuộc họp gồm đại diện Sở Xây dựng, Sở VH, TT&DL, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga, Hội Hữu nghị Việt – Nga tỉnh Quảng Ninh đã thảo luận, và tham vấn xin ý kiến Giáo sư Salvador Perez Arroyo, đi đến thống nhất những vấn đề cần thiết cho việc triển khai xây dựng ngoại thất tượng đài Titov.

Tiếp sau những diễn biến đó, Hội Hữu nghị Việt – Nga đã thành lập Ban Quản lý dự án và Ban Vận động tài trợ kinh phí xây dựng tượng đài. Trung ương Hội kêu gọi toàn thể hội viên Hội Hữu nghị Việt – Nga đóng góp mỗi người ít nhất 100 nghìn đồng vào quỹ xây dựng tượng đài; Chủ tịch Trung ương Hội gửi thư kêu gọi các tổ chức và cá nhân trong nước và tại LB Nga hỗ trợ kinh phí cho dự án. 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội, các Hội Hữu nghị Việt – Nga địa phương và các chi hội đã phát động phong trào quyên góp tiền trong hội viên và những người bạn của hội, chuyển tiền vào tài khoản của Trung ương Hội. Nhiều đơn vị như Liên doanh Vietsovpetro, Tập đoàn dầu khí Việt Nam Petrovietnam, Ngân hàng Techcombank, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Công ty cổ phần dược phẩm ECO, Công ty TNHH Mareven Food Central hoạt động tại LB Nga, Hội người Việt Nam tại LB Nga, Hội Hữu nghị Nga – Việt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh… đã có những khoản hỗ trợ tài chính quý báu để thực hiện dự án.

Một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng tượng đài Gherman Titov là ngày 24/6/2014, Hội Hữu nghị Việt – Nga chính thức ký Hợp đồng thi công (tạc tượng Titov) với Công ty TNHH Mỹ thuật Thiên Kỳ, TP Hồ Chí Minh. Gần nửa  năm sau, ngày 7/12/2014, Hội đồng Nghệ thuật họp phiên thứ ba tại TP Hồ Chí Minh xem xét, thẩm định mẫu tượng bằng đất sét tỷ lệ 1/1 đã nhất trí để tác giả chuyển sang chất liệu thạch cao và sau đó sang chất liệu đá.

Tượng Titov bằng đá được Công ty Thiên Kỳ thực hiện tại một cơ sở chế tác ở tỉnh Hà Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng Nghệ thuật và Ban Quản lý dự án theo dõi, xem xét, đánh giá tiến độ công việc và chất lượng tác phẩm khi cần thiết, đồng thời cũng nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển tượng tới Vịnh Hạ Long khi hoàn thành. Trong quá trình tạc tượng, các thành viên Hội đồng Nghệ thuật và Ban Quản lý dự án không chỉ một lần về Hà Nam xem xét, góp ý với tác giả và những người thợ thi công để hoàn chỉnh tượng nhà du hành vũ trụ theo đúng phác thảo. Đến đầu tháng 8/2015, tượng Gherman Titov đã hoàn thành.

Cũng từ đầu tháng 8/2015, việc thi công mặt bằng ngoại thất tượng Titov trên đảo với tổng diện tích hơn 1000 m2 cũng được Ban Quản lý vịnh Hạ Long triển khai tích cực. Ngày 12/8/2015, tượng Gherman Titov được chuyển từ tỉnh Hà Nam ra đảo Titov và được dựng lên bệ thành công. Sau đó, vào ngày 1/9/2015, tấm bia đá thuộc tổ hợp tượng đài cũng đã được chuyển ra đảo. 
Bia đá khắc chữ ở hai mặt. Mặt trước khắc tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh với nội dung như sau: “Trong chuyến thăm vịnh Hạ Long ngày 22 tháng 1 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phi công vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp dừng chân tại hòn đảo xinh đẹp này. Để biểu thị tình hữu nghị với nhân dân Liên Xô và tình cảm với người Anh hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho đảo này là đảo Ti-tốp. Ghéc-man Ti-tốp là Chủ tịch Hội Hữu nghị  Xô - Việt (1966-1991), Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt (1992-2000). Ghéc-man Ti-tốp đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Hữu nghị. Công trình khánh thành tháng 9 năm 2015”. 
Mặt sau chỉ khắc tiếng Việt, nội dung như sau: “Tượng đài Ghéc-an Ti-tốp. Tác giả: Lâm Quang Nới. Đơn vị thi công: Công ty TNHH Mỹ thuật Thiên Kỳ. Các đơn vị chủ trì và tài trợ chính: Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Hội Hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga,  Ngân hàng Techcombank, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Công ty cổ phần dược phẩm ECO, Công ty Marevel Food Central”.

Tượng Titov làm bằng đá xanh Thanh Hóa gồm hai khối, cao gần 6 mét, nặng hơn 26 tấn. Tấm bia cũng là một khối đá tự nhiên, dày 30 cm, cao 1,5 mét, nặng gần 3 tấn.

Dự án tượng đài cố Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô-Việt/Nga-Việt, nhà du hành vũ trụ Gherman Titov đã đi qua gần hết chặng đường , sắp về đích. Chỉ còn phần việc hoàn chỉnh mặt bằng ngoại thất tượng đài, xây tiểu cảnh… hướng tới ngày chính thức khánh thành công trình vào sáng 14-9-2015.

Tượng đài Gherman Titov ở Vịnh Hạ Long hoàn thành vào dịp kỷ  niệm 80 năm ngày sinh nhà du hành (11/9/1935-11/9/2015), 70 năm Quốc khánh Việt Nam, 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và LB Nga, 65 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt – Xô/Việt – Nga là tin vui với toàn thể hội viên của hai Hội Hữu nghị Việt -  Nga, Nga – Việt, với tất cả những người Việt Nam có nhiều kỷ niệm gắn bó với Liên Xô, với LB Nga và quý trọng tình hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa hai nước.

Đọc thêm