Năm 2022: Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp

(PLVN) -Năm 2021, mặc dù chất lượng nhân lực tư pháp được nâng cao đáp ứng yêu cầu tình hình mới tuy nhiên, tình trạng thiếu thiếu biên chế vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt cấp cơ sở; đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt trong năm 2022.
Toạ đàm Đào tạo cán bộ pháp luật trong ngành Tư pháp do Báo PLVN phối hợp với Văn phòng Bộ Tư pháp tổ chức.
Toạ đàm Đào tạo cán bộ pháp luật trong ngành Tư pháp do Báo PLVN phối hợp với Văn phòng Bộ Tư pháp tổ chức.

Cán bộ cấp xã: giảm 3,8%

Bộ Tư pháp cho biết, năm 2021 toàn Ngành đã và đang tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy theo tinh thần và quy định của các Nghị quyết Trung ương về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; các Nghị định mới của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Công tác quản lý biên chế đã được toàn Ngành thực hiện bài bản, linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác. Bộ, ngành Tư pháp đã tiếp tục thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương và quy định của Chính phủ.

Chất lượng nhân lực tư pháp tiếp tục được nâng cao để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành trong giai đoạn mới. Năm 2021, toàn Ngành tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên môn ở các cấp, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Nhiều cán bộ ngành Tư pháp được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Công tác bình đẳng giới được quán triệt và thực hiện kịp thời, đồng bộ trong toàn Ngành.

Cả nước hiện có 4.250 công chức, viên chức làm việc tại các Sở Tư pháp; 2.826 công chức làm việc tại Phòng Tư pháp, đạt bình quân 4.03 người/Phòng Tư pháp; có 17.687 công chức Tư pháp - Hộ tịch (giảm 662 người tương đương với 3,8% so với năm 2020). Cả nước có 9.393 người làm công tác pháp chế, riêng khối doanh nghiệp nhà nước có 2.373 người.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được ngành Tư pháp chú trọng. Năm 2021, Trường ĐH Luật Hà Nội đã xác nhận nhập học cho 2.058 thí sinh hệ đại học chính quy, tiến hành đào tạo 950 học viên cao học và 200 nghiên cứu sinh. Học viện Tư pháp đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đào tạo các chức danh tư pháp, cụ thể: đã xét tuyển được 5.057 hồ sơ đủ điều kiện, trong đó có 4.673 học viên đã nhập học, đạt tỷ lệ 130,5% so với Kế hoạch được giao; tiếp tục thực hiện đào tạo và công nhận tốt nghiệp cho 3.817 học viên.

Các trường Trung cấp luật, Cao đẳng luật thuộc Bộ Tư pháp đã tập trung rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định; đồng thời, triển khai thực hiện việc tuyển sinh nhằm tiếp tục tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền

Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn cả ở Trung ương và địa phương. Qua rà soát, một số đơn vị thiếu biên chế để duy trì tổ chức, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp đang đứng trước khả năng phải giải thể đối với những tổ chức không đủ điều kiện về biên chế tối thiểu. Các tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn địa phương không duy trì được như thời gian trước đây, cán bộ pháp chế phần lớn là kiêm nhiệm. Nhiều địa phương, ở cấp huyện, cấp xã vẫn còn bố trí công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch chưa có trình độ chuyên môn luật.

Năm 2022, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện quyết liệt các giải pháp để tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật và xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đọc thêm