Năm 2023, công tác thi hành dân sự tỉnh Quảng Ninh đều đạt và vượt chỉ tiêu

(PLVN) -Với quyết tâm cao, đến nay, kết quả công tác năm 2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh đều đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao, kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Ban chỉ đạo thi hành dân sự tỉnh Quảng Ninh, làm việc về công tác thi hành án dân sự năm 2023, tại huyện Vân Đồn.
Ban chỉ đạo thi hành dân sự tỉnh Quảng Ninh, làm việc về công tác thi hành án dân sự năm 2023, tại huyện Vân Đồn.

Tính đến hết tháng 11, kết quả thi hành án dân sự về việc đạt tỷ lệ 87,69% (cao hơn 9,18 % so với tỷ lệ cùng kỳ năm 2022 và vượt 2,19% so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao), về tiền đạt tỷ lệ 56,03% (cao hơn 5,21 %) so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 9,73% so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác THADS của tỉnh vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng đến nay vẫn còn chưa đạt như mong muốn, số việc chưa thi hành xong chuyến kỳ sau vẫn còn lớn và tiếp tục có xu hướng tăng. Số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong vẫn còn, kế cả những bản án, quyết định đã có Quyết định buộc thi hành án hành chính. Mặc dù các đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng kết quả giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng 01 năm trở lên vẫn còn nhiều, số lượng các vụ việc tổ chức cưỡng chế huy động lực lượng liên ngành trong toàn tỉnh còn chưa quyết liệt (trong năm 2023 toàn tỉnh tổ chức cưỡng chế thi hành án 04 vụ việc có huy động lực lượng liên ngành).

Các vụ việc tồn năm 2022 chuyển sang năm 2023 phần lớn là những vụ việc khó thi hành nên ít nhiều cũng đã ảnh hưởng tới việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Phần lớn các trường hợp thuộc diện “án chuyền kỳ sau chưa có điều kiện thi hành” hầu như không giải quyết được dẫn đến số lưọng việc loại này dồn lại, tăng dần năm này qua năm khác.

Về nguyên nhân, do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là người phải thi hành án còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp cố tình tìm mọi cách chống đối, lẩn tránh, thậm chí có hành động gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của công chức THADS. Trong khi đó, việc xử lý hành chính, kể cả xử lý về hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp cố tình không chấp hành việc thi hành án. Tiến độ giải quyết việc thi hành án còn chậm do một số doanh nghiệp gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19.

Nhiều vụ việc người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, đi khỏi địa phương không xác định được nơi cư trú, hoặc tuy họ có tài sản nhưng không đủ để đảm bảo thi hành và chưa đủ điều kiện để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Tính chất công việc thi hành án ngày càng phức tạp và chịu nhiều áp lực; chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm công tác thi hành án còn thấp.

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, lãnh đạo Cục trực tiếp phụ trách các địa bàn, chỉ đạo thi hành án các vụ việc thi hành án có số tiền phải thi hành lớn, án trọng điểm; tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các vụ việc có điều kiện tồn đọng 01 năm chưa thi hành xong và các địa bàn có nhiều vụ việc thi hành án lớn, phức tạp.

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo THADS cùng cấp, chỉ đạo các phòng, ban liên quan tại địa phương phối hợp tốt trong công tác THADS, nhất là trong việc xác minh điều kiện thi hành án và cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng. Tập trung mọi nguồn lực để tổ chúc thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Kiên quyết tố chức cưỡng chế thi hành đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án chây ỳ, trốn tránh không tự nguyện thi hành án, nhất là các vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng 01 năm chưa thi hành xong. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra, trong đó xác định công tác tự kiểm tra là chính, để kịp thời phát hiện sớm và xử lý những thiếu sót, vi phạm; bên cạnh đó kịp thời chấn chỉnh sửa chữa, khắc phục các sai phạm, thiếu sót đã được nêu ra trong các kết luận kiểm tra, đảm bảo tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục thi hành án theo quy định của pháp luật.

Chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, phân công lãnh đạo, cán bộ có năng lực làm công tác tiếp công dân đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời gian; giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không để phát sinh vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Chủ động tham mưu, đề xuất ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vụ việc thi hành án hành chính, nhất là những vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, phản ánh.

Tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát, Công an, Tòa án nhân dân, các cơ quan liên quan, các lực lượng tham gia, thống nhất quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong việc cường chế, kê biên xử lý tài sản để thi hành án, lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, nhằm đảm bảo việc thi hành án kịp thời, đúng pháp luật, tạo sự ủng hộ của xã hội và nhân dân đối với công tác THADS. Tập thể đội ngũ lãnh đạo, công chức ngành THADS tỉnh tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đọc thêm