Năm 2023, Khánh Hòa là 1 trong 6 địa phương hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch

(PLVN) - Năm 2023, ngành tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị số hóa dữ liệu hộ tích trước hạn 1 năm 2 tháng so với thời hạn Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp giao; hoàn thành trước hạn 2 tháng theo thời hạn Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Với kết quả xuất sắc trên, tỉnh Khánh Hòa là 1 trong 6 địa phương của nước hoàn thành nhiệm vụ số hóa.
Năm 2023, ngành tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen công nhận thành tích xuất sắc, tiêu biểu.

Chiều 15/1, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, triển khai công tác năm 2024.

Báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa cho thấy, năm 2023, ngành tư pháp tỉnh này đã chủ động bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác chuyên môn. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã đạt được kết quả nổi bật như: thực hiện đúng hạn, trước hạn và đạt chất lượng, hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy giao Giám đốc sở; đã đạt và vượt 21/23 chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, ngành tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị số hóa dữ liệu hộ tích trước hạn 1 năm 2 tháng so với thời hạn Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp giao; hoàn thành trước hạn 2 tháng theo thời hạn Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Với kết quả xuất sắc trên, tỉnh Khánh Hòa là 1 trong 6 địa phương của nước hoàn thành nhiệm vụ số hóa.

Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã tiếp tục thể hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu về mặt thể chế cho UBND tỉnh, chất lượng công tác thẩm định văn bản ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính khả thi, hợp lý của văn bản; công tác kiểm tra, rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên, qua đó loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ những văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, văn bản trái quy định, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính được Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa chủ động tham mưu, triển khai thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực theo dõi thi hành trọng tâm, qua đó huy động được sự quan tâm, tham gia của một số sở, ngành, địa phương.

Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được chú trọng, tăng cường kiểm tra, thanh tra; thông qua hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tư pháp địa phương cũng như các tổ chức hành nghề.

Ngoài ra, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số; đa dạng hóa hình thức trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác trợ giúp pháp lý đã dần đi vào chiều sâu, tập trung hơn vào việc thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, thực sự phát huy hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

Tại hội nghị, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2023, ngành tư pháp tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có bước chuyển động tích cực và đã hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm của ngành, trong đó đã đạt được những kết quả ấn tượng như: công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng ngành... Với sự nỗ lực của mình, năm 2023, ngành tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen công nhận thành tích xuất sắc, tiêu biểu.

Ông Đinh Văn Thiệu phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị ngành tư pháp tỉnh này trong năm 2024 cần tập trung thực hiện 6 giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, một là, nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả tham gia của ngành tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh tại địa phương do UBND tỉnh giao, trong đó chú trọng tư vấn pháp lý giải quyết các vướng mắc về nhà đất, thực hiện các dự án đầu tư.

Hai là, đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, khả thi, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ba là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Tập trung rà soát, thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của ngành.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương; bảo đảm sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành tư pháp trong giai đoạn mới.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành tư pháp, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước... góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh nhà.

Đọc thêm