Năm 2023 - một năm “sóng gió” của thị trường vàng trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2023 là một năm đầy biến động của thị trường vàng khi ghi nhận những đợt tăng giá, “xô đổ” mọi kỷ lục với mức chênh lệch chưa từng thấy với giá vàng quốc tế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá vàng liên tiếp tạo "sóng giá"

Với tính chất một sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao; đồng thời cũng là tài sản cất trữ, nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường… Có thể nói, vàng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia nói chung và của nước ta nói riêng.

Trong năm 2023, giá vàng trong nước liên tục ghi nhận mức tăng kể từ tháng 1/2023, có lúc vượt 69 triệu đồng/lượng. Trong suốt 5 tháng từ tháng 2 đến tháng 7 với nhiều phiên biến động, giá vàng giao động trong khoảng 67 triệu đồng/lượng với chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra lớn, có thời điểm chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt, kể từ tháng 9 giá vàng liên tục tăng cao, vượt 70 triệu đồng/lượng. Tới tháng 12, giá vàng miếng SJC ở chiều bán ra ghi nhận 80,2 triệu/lượng (ngày 27/12/2023) – đây mức giá cao nhất trong lịch sử giá vàng.

Như vậy, nếu so với với thời điểm đầu năm 67 triệu đồng/lượng thì giá vàng có thời điểm đã tăng lên hơn 13 triệu đồng/lượng.

Đáng lưu ý, việc tăng giá liên tục khiến khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bị kéo mạnh. Có thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.

Sau khi, giá vàng liên tục “náo động” thị trường, Thủ tướng Chính Phủ đã có công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng với những yêu cầu, nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng bộ và cụ thể đối với các bộ, ngành chức năng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: “Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Ngay sau khi công điện được ban hành, giá vàng SJC rớt không phanh. Chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng miếng SJC rớt sâu chỉ còn 68 triệu đồng/lượng mua vào và 74 triệu đồng/lượng bán ra, khiến những người mua vào ở vùng giá trên 80 triệu đồng/lượng đã lỗ tới hơn 10 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, giá vàng trong nước tăng không phải do người dân mua quá nhiều mà chủ yếu do khan hiếm vàng miếng SJC. Nguyên nhân, theo ông Bảng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi NHNN độc quyền nhập khẩu nhưng nhiều năm qua lại không nhập. Từ đó, một số doanh nghiệp phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, làm cho vàng SJC ngày càng khan hiếm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thành viên của VGTA cho rằng NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ sử dụng một thương hiệu SJC là không theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, một thương hiệu được lưu hành luôn tạo ra độc quyền thiếu cạnh tranh. Do đó, muốn xóa những bất cập này, cần sớm sửa đổi quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, bởi những quy định này hiện đã lỗi thời.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đưa ra tiêu chí về vốn, nộp thuế trong 3 năm để cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp cũng được phản ánh là không bình đẳng. Vì hiện nay, hầu như các doanh nghiệp vàng bạc cũng mua - bán vàng miếng nhưng nhà nước không quản lý được.

Lý do là nhu cầu mua vàng miếng trên toàn quốc nhưng các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng không có đủ mạng lưới kinh doanh. Còn hệ thống NH thương mại hiện chỉ còn vài NH kinh doanh vàng miếng, số còn lại hầu như không giao dịch vì sợ rủi ro sau khi NH bán vàng ra lại không mua lại được do thị trường thiếu nguồn cung.

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối – NHNN cũng cho rằng từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) không được sản xuất vàng miếng. NHNN chỉ thuê công ty này gia công vàng miếng khi có nhu cầu, hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.

Trong khi đó, người dân lẫn doanh nghiệp đều có tâm lý nắm giữ vàng miếng nên khi giá vàng thế giới tăng, sức mua trong nước có dấu hiệu khởi sắc, giá vàng miếng SJC tại Việt Nam lập tức bị đẩy lên rất cao.

Quản lý thế nào để hạn chế tình trạng “nhảy giá”, “chênh lệch giá lớn”?

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa. Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. Trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Việc độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, mà thực tế đã chứng minh như vậy.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, hiện nay trên thị trường, không ai sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán nữa. Vì vậy, nếu chúng ta không khuyến khích người dân tích trữ vàng miếng nữa, theo chủ trương của Nhà nước là tập trung vào sản xuất trang sức để tăng giá trị thặng dư, tập trung vốn vào sản xuất và xuất nhập khẩu, thì phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. “Nếu coi vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa”- ông Hùng nói.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012. Thời điểm đó, việc ban hành Nghị định 24 là rất kịp thời. Trong những năm qua, Nghị định 24 đã phát huy tác dụng khá tốt. Gần như chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch. Tuy nhiên, đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… có rất nhiều thay đổi. Trong những thay đổi như thế, chúng ta vẫn đang duy trì Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Vì vậy, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Chúng ta nên cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hoá vàng vật chất, cần thiết phải xem lại có nên duy trì thương hiệu vàng quốc gia hay không.

Thứ hai, phải mở thêm các thị trường mới, giao dịch trên tài khoản, trên các công cụ tài chính, điều đó sẽ hạn chế được thị trường vật chất, giúp tiện lợi hơn, hiệu quả, an toàn hơn, không cần thiết phải mua vàng miếng cất ở nhà nữa. Từ đó sẽ thay thế dần được thị trường vàng vật chất, vàng miếng tích trữ. Đương nhiên vàng trang sức là nhu cầu về phát triển thì nên có những chính sách ưu đãi trong xuất nhập khẩu thuận lợi để khuyến khích phát triển.

Cũng theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, nếu giao dịch vàng miếng, vàng tích trữ trên tài khoản thì chúng ta có rất nhiều công cụ để kiểm soát. Sàn giao dịch vàng hãy là đầu mối các sàn giao dịch hàng hoá khác. Vàng vẫn là hàng hoá khá đặc biệt, chúng ta cần phải có cơ chế và phân cấp độ cho các sàn vàng, không chỉ mỗi Nhà nước mà các ngân hàng lớn, các cơ quan lưu ký có đủ tiềm lực đều có thể tham gia vào cơ quan lưu ký, tham gia vào thị trường thứ cấp để lưu thông quốc tế. Mở thị trường sơ cấp cho toàn dân có thể tham gia. Và như vậy chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý rất chặt chẽ nhưng lại rộng mở để phát triển thông thoáng, sử dụng các quy luật thị trường cho cả hai nhóm vàng vật chất lẫn vàng giao dịch trên tài khoản.

"Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, rất cần tích cực mở rộng quản lý trên các công cụ này trong tất cả các hoạt động kinh doanh vàng để mọi người dân biết được thực trạng hoạt động trên thị trường vàng đang như thế nào?"- GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.

Đọc thêm