Năm 2023, tiếp tục các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

(PLVN) - Trong năm 2023, Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách thuế, tài chính.
Hình ảnh tại họp báo.
Hình ảnh tại họp báo.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra chiều tối nay, 3/1.

Tại họp báo, trả lời về chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước đã kéo suốt dài từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Riêng năm 2022, quy mô các hỗ trợ lên tới 233.000 tỷ đồng, là chưa từng có tiền lệ, giúp doanh nghiệp người dân, nền kinh tế gia tăng sức chịu đựng và có khả năng phục hồi.

Năm 2023, dự kiến có những thuận lợi và khó khăn, do đó, từ cuối năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất một loạt các chính sách tài khóa, thuế để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, về cơ bản, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách về thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương tự như những chính sách cho năm 2022 nhưng có sự điều chỉnh như về mặt hàng, mức giảm so với năm 2022.

“Tinh thần là Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 thông qua các chính sách thuế, tài chính; đồng thời sẵn sàng các kịch bản khác nếu cần phải có tác động của các chính sách hỗ trợ từ chính sách tài khóa”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ và khẳng định, Chính phủ sẽ điều hành nhịp nhàng với các chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định nền kinh tế.

Về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu, chi phí sản xuất, kinh doanh có sự phụ thuộc vào các mùa trong năm.

Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên. Lần điều chỉnh giá điện cuối cùng là ngày 20/3/2019, tức 4 năm chưa điều chỉnh.

Hiện, Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị tăng giá điện của EVN. Theo ông Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo của EVN, Việt Nam không phải ngoại lệ. Chi phí sản xuất điện đã tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24 để xây dựng lộ trình tăng giá điện, trên cơ sở đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là tới cuộc sống của người dân trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi sẽ tính toán rất kỹ, sau đó sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để đảm bảo sự tác động là nhỏ nhất trong trường hợp có sự điều chỉnh giá điện”, ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Đọc thêm