Năm 2025 sẽ là một năm khởi sắc với doanh nghiệp

(PLVN) - 2024 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp (DN) Việt, nhưng bức tranh nền kinh tế đã có những gam màu tươi sáng hơn. Trong năm 2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh được các chuyên gia dự báo sẽ ổn định và tăng tốc phát triển. Sự phục hồi và tốc độ phát triển phụ thuộc rất lớn vào tính chủ động, tư duy sáng tạo và nắm bắt cơ hội của các DN.
Theo ông Trần Đăng Nam, chúng ta đang có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế. (Ảnh trong bài: Đoan Trang)

Nhiều cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế và một người làm chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, năm qua kinh tế toàn cầu chưa có nhiều yếu tố tích cực; nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam lại mang nhiều gam màu sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 vượt hơn 7%. Chỉ số tiêu dùng và xuất nhập khẩu đều đạt tốt hơn so với 2023. FDI tiếp tục duy trì; Số DN đăng ký hoạt động vẫn tăng đều… “Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận”, ông Hiếu nhận định, trong năm 2025, với các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt, kiến tạo, kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục khởi sắc hơn.

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm tới, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Sunhouse nhận định, năm 2025 kinh tế toàn cầu chưa thể phục hồi với tốc độ nhanh; động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2024 là xuất khẩu và khu vực FDI nên tác động lan tỏa tới khu vực DN trong nước, thị trường trong nước sẽ cần độ trễ. “Kinh tế đã thoát đáy, sẽ đi lên, đó là điều chắc chắn”, ông Phú nhận định.

Theo ông Phú, các ngành liên quan đến sản xuất, xuất khẩu và các ngành nghề liên quan vẫn tăng trưởng tốt. Tương tự, kinh doanh trên nền tảng số, gồm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung số... tiếp tục theo xu hướng đi lên.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Sunhouse.

“Chúng ta có những thế hệ doanh nhân “đầu tàu” 6x, 7x, 8x… tài giỏi, nhiều kinh nghiệm. Với những lợi thế hiện có, hàng hóa của Việt Nam sẽ đi sang Trung Quốc và các nước khác rất nhanh. Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét xem sản phẩm, hàng hóa nào có thể liên kết với nước bạn thì tập trung vào ngành nghề đó, rồi tận dụng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để giao thương, xuất khẩu”, ông Phú hiến kế.

“Tôi tin là những dòng vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam trong năm 2024, sự gia tăng giải ngân vốn đầu tư công trong các năm qua sẽ tạo tác động lan tỏa tới thị trường trong nước, tới nhiều ngành, lĩnh vực trong năm 2025”.

(Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú)

Cùng quan điểm, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Dolphin Sea Air Service Corp; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam nhìn nhận 2025 sẽ là một năm khởi sắc cho DN. Với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, ưu tiên phát triển kinh tế sẽ rõ nét hơn. Theo dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và các nước có dòng đầu tư từ Trung Quốc, các ngành xuất khẩu và phụ trợ xuất khẩu ở Việt Nam sẽ phát triển. Trong xu thế chuyển đổi số, các ngành kinh doanh công nghệ thông tin, thương mại điện tử cũng sẽ có cơ hội lớn phát triển, tuy nhiên thách thức đan xen, như phải đối mặt với sự cạnh tranh căng thẳng hơn.

Cũng theo ông Trần Đăng Nam, chúng ta đang có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế. Cùng với những lợi thế của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN Việt còn có sự hậu ủng hộ của Chính phủ và các Hiệp định thương mại… Đó là nền tảng cơ bản để kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Dolphin Sea Air Service Corp; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn

Ở góc độ khác, TS. Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế & Phát triển doanh nghiệp; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội đánh giá, năm 2024, nhiều DN trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, cho thấy sức sống của các DN rất lớn.

Báo cáo kinh tế năm 2024 cho thấy khu vực DN đóng góp đáng kể vào GDP của Hà Nội, giúp TP giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Nhiều DN đã đạt mức doanh thu tăng trưởng từ 10 - 20%, bất chấp bối cảnh suy thoái trên thế giới.

Thứ hai, đã có sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh sáng tạo và đổi mới, Nhiều DN tại Hà Nội đã nhanh chóng thích nghi với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong vận hành và kinh doanh. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, logistics phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế;

Thứ ba, đội ngũ DN Hà Nội đã thành công trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Bất chấp những rào cản thương mại toàn cầu, các DN vẫn tìm cách tiếp cận những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Việc tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như EVFTA, RCEP cũng giúp DN giảm chi phí thuế quan và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

TS. Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế & Phát triển doanh nghiệp; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội.

Thứ tư, cộng đồng DN góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội. Trong bối cảnh nhiều người lao động bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, các DN không chỉ cố gắng duy trì việc làm mà còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng như đào tạo nghề, hỗ trợ vốn cho các hộ kinh doanh nhỏ, tham gia vào các chương trình thiện nguyện.

Thứ năm, nhiều DN đã đạt được các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, khẳng định vị thế và thương hiệu của mình. Đây không chỉ là niềm tự hào của từng DN mà còn là hình ảnh đại diện cho sự phát triển năng động và sáng tạo của Thủ đô.

“Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặt ra những yêu cầu lớn lao với DN. Điều này đòi hỏi cộng đồng DN phải thể hiện vai trò tiên phong: phải là lực lượng dẫn đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường; tăng cường đổi mới sáng tạo. Trong kỷ nguyên mới, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn để DN cạnh tranh và phát triển bền vững”, TS. Mạc Quốc Anh nói.

“Thời điểm này, nếu DN chỉ làm ăn chộp giật, làm cho xong thì không ổn, mà phải tự động hóa, thay đổi toàn bộ hệ thống và chính các CEO phải là người điều hành công việc này. Nếu không thay đổi đồng nghĩa với việc “tự chôn mình”. Nếu tư duy mới mà hành động cũ cũng khó lòng cạnh tranh. Để thay đổi, phải đổi mới, sáng tạo ngay chính sản phẩm của mình, chất lượng, sản phẩm phải có sự khác biệt. Bên cạnh đó, phải có chiến lược mở rộng thị trường, không chỉ tại Việt Nam mà mở rộng ra khu vực và quốc tế. Cụ thể, phải mở rộng quy mô DN, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế để phát triển và phát triển bền vững. Đặc biệt, phải đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí văn hóa, triết lý kinh doanh của DN; đầu tư về kỹ năng, chuyên môn để thích ứng với thị trường; phải nghĩ đến hợp tác, liên kết để phát triển”.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam Trần Đăng Nam

Đọc thêm