Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025: Đẩy nhanh chuyển đổi hộ kinh doanh

(PLVN) - Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (DN) là giải pháp giúp nâng cao số lượng và chất lượng DN, mang lại những hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các hộ kinh doanh vẫn chưa “mặn mà” với hoạt động chuyển đổi…

Lợi ích… kép

Theo TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội, hộ kinh doanh hiện hoạt động trong khu vực phi chính thức, manh mún, nhỏ lẻ, cơ chế quản lý chưa rõ ràng, khung pháp lý phát triển chưa đầy đủ và còn nhiều khoảng trống. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh chịu nhiều bất lợi, khó tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ.

TS. Mạc Quốc Anh

TS. Mạc Quốc Anh

Vì các lý do trên, khi chuyển đổi thành DN, các hộ kinh doanh sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính. Điều này giúp họ có đủ nguồn lực để mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất. DN cũng có tư cách pháp nhân rõ ràng hơn so với hộ kinh doanh, do đó dễ dàng xây dựng uy tín và niềm tin với khách hàng, đối tác và nhà cung cấp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và phát triển thị trường mới.

Về tác động với nền kinh tế, khi các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN và mở rộng quy mô, thu nhập và lợi nhuận của họ tăng lên, đồng nghĩa với việc đóng góp thuế cho ngân sách Nhà nước cũng tăng theo. DN phát triển mạnh mẽ sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động, từ đó cải thiện đời sống xã hội.

Cũng theo TS. Mạc Quốc Anh, DN lớn thường có khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng hoạt động xuất khẩu, giúp cải thiện cán cân thương mại và tạo ra nguồn ngoại tệ cho đất nước. Với nguồn lực và khả năng đầu tư, các DN lớn có thể nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, từ đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thực tế, TS. Mạc Quốc Anh cho hay: “Các hộ kinh doanh cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kê khai và nộp thuế, đồng thời đối mặt với nguy cơ bị phát hiện và xử phạt nếu cố tình gian lận. Việc sử dụng hóa đơn điện tử, phương pháp kê khai giúp giảm thiểu tình trạng gian lận và tăng cường sự minh bạch, khắc phục lỗ hổng quản lý thuế hộ kinh doanh. Khi việc trốn thuế trở nên khó khăn hơn sẽ thúc đẩy các hộ kinh doanh tính toán lại và có thể chuyển đổi lên thành DN để tận dụng các lợi ích về tài chính và phát triển bền vững hơn”.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi!

Mặc dù có rất nhiều lợi ích khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN, nhưng Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội cho biết: "Có không ít yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi này".

Cụ thể, Thứ nhất: Nhiều hộ kinh doanh còn thiếu thông tin đầy đủ về quy trình chuyển đổi và những lợi ích mà việc này mang lại. Họ có thể sợ rằng thủ tục pháp lý phức tạp, tốn thời gian và chi phí cao;

Thứ hai: Ngại thay đổi và rủi ro, bởi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức quản lý và vận hành;

Thứ ba: Chuyển đổi thành DN thường đi kèm với chi phí cao hơn. Nhiều hộ kinh doanh có quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế có thể không đủ khả năng chi trả cho những chi phí này;

Thứ tư: Hộ kinh doanh thường do một hoặc một vài cá nhân quản lý, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm quản lý DN. Trong khi đó, việc chuyển đổi đòi hỏi họ phải cải thiện, nâng cao khả năng quản trị, đây có thể là một thách thức lớn;

Thứ năm: Một số hộ kinh doanh lo ngại về việc phải nộp thuế nhiều hơn khi chuyển đổi thành DN. Dù thực tế có thể khác, song tâm lý sợ phải đóng thuế cao hơn vẫn là một rào cản đáng kể. Không chỉ vậy, khi trở thành DN, các hoạt động kinh doanh sẽ phải minh bạch hơn và chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng;

Thứ sáu: Thiếu các chương trình hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi từ phía Nhà nước và các tổ chức có liên quan cũng là một yếu tố cản trở quá trình này.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN, TS.Mạc Quốc Anh cho rằng: "Cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các tổ chức liên quan, bao gồm việc cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và các chương trình hỗ trợ tài chính. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch để các hộ kinh doanh có thể tự tin chuyển đổi và phát triển bền vững".

Trước mắt, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho DN và hộ kinh doanh, một số chính sách nên được xem xét, ban hành. Trong đó, việc áp dụng các chính sách tài khóa phù hợp có thể giúp giảm bớt khó khăn tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN và hộ kinh doanh phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời để thúc đẩy sự phục hồi, phát triển bền vững của nền kinh tế:

Một là, tiếp tục giảm và giãn thuế (giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh trong một thời gian nhất định để giảm gánh nặng tài chính, đồng thời giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp bắt buộc khác như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó giúp DN có thêm thời gian chuẩn bị tài chính);

Hai là, cải thiện tiếp cận vốn (cần tăng cường các chương trình vay vốn ưu đãi cho DNNVV và hộ kinh doanh với lãi suất thấp và điều kiện vay vốn dễ dàng hơn; Phát triển các quỹ hỗ trợ DN để cung cấp nguồn vốn đầu tư cho các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng);

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thông qua việc hỗ trợ chi phí chuyển đổi số cho các DNNVV và hộ kinh doanh, bao gồm chi phí phần mềm, hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực; Thứ tư: Tiếp tục hỗ trợ DN tăng cường tiếp cận thị trường và ban hành thêm chính sách hỗ trợ xuất khẩu.

Hiện DNNVV vẫn chiếm áp đảo, với trên 95% tổng số DN trên cả nước và đóng góp đáng kể cho GDP, tạo công ăn việc làm, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội…

Đọc thêm