Bất chấp nắng, gió, khô hạn…
Thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng khô nóng, gió nhiều, nhiệt độ trung bình hàng năm cao, lượng mưa trung bình rất ít. Nếu xét về điều kiện tự nhiên với các loại cây nông nghiệp, đây là những yếu tố khắc nghiệt.
Thế nhưng tại Ninh Thuận, nhiều nông dân lại có thể làm giàu từ cây nha đam, chuyên cung cấp cho Cty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm, có nhà máy rộng gần 2ha tại KCN Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm).
Giữa vùng “sa mạc” chỉ có nắng, gió, cát, hơn 10 năm trước nhà máy chế biến cây nha đam lớn bậc nhất cả nước đã đặt những viên gạch đầu tiên. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Cty nhớ lại, sau nhiều lần khảo sát, DN xác định đây là vùng nguyên liệu lớn nên quyết định xây dựng nhà máy. Cây nha đam vốn được nông dân địa phương trồng từ lâu, nhưng phương thức canh tác theo cách truyền thống. Cty đã hướng dẫn người dân áp dụng CNC, sạch bệnh, chất lượng cao, năng suất. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả, đến nay hàng ngàn nông dân địa phương đã hợp tác với nhà máy, tạo vùng trồng nguyên liệu ở khắp các huyện, TP Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Bác Ái...
Một vùng trồng nha đam tại Ninh Thuận. |
Sau hơn 10 năm, VietFarm đã có công suất chế biến khoảng 140 tấn bẹ nha đam/ngày, sản phẩm xuất khẩu đến 22 quốc gia, trong đó nhiều thị trường “khó tính” như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Trung Đông… Hơn 400 công nhân toàn bộ là người địa phương, sau quá trình đào tạo đã trở thành lao động kinh nghiệm, lành nghề. Cty cũng đã có bước tiến ngoạn mục khi cho ra đời phòng lab duy nhất ở Việt Nam cấy mô cây nha đam, do Bộ KH&CN và UBND tỉnh tài trợ một phần chi phí, trang thiết bị, đưa cây giống sạch bệnh ra vườn ươm, cung cấp đến người trồng.
Khâu sơ chế nha đam tại Cty VietFarm. (Ảnh trong bài: Khánh Toàn) |
Từ kinh nghiệm tại những mô hình như VietFarm, ông Phạm Văn Hậu (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận) cho biết, trong thời đại làm nông nghiệp CNC, những yếu tố bất lợi xưa kia này lại trở thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Thứ nhất, sau khi đầu tư hệ thống thủy lợi, tỉnh đã có nguồn nước dồi dào, với hệ thống hồ sông Cái và 21 hồ tại địa phương, làm chủ 500 triệu m3 nước phục vụ sản xuất. Hệ thống thủy lợi tiếp tục đầu tư hiện đại, luân chuyển nước giữa các hồ, có thể kiểm soát được nước thất thoát, độ sạch từ đầu đến cuối nguồn. Thứ hai, quỹ đất còn lớn, chất đất sạch, ít bị tác động xấu như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thứ ba, Ninh Thuận có lượng bức xạ cao, nắng nhiều, độ ẩm thấp nên các vấn đề sâu bệnh được giảm thiểu; nên rất ít hoặc thậm chí không cần sử dụng các loại thuốc tác động vào quá trình sản xuất. Thời tiết này phù hợp các loại cây ưa khí hậu nắng nóng như: táo, nho, măng tây, nha đam...
“Những yếu tố trên tạo nên sức cạnh tranh riêng cho nông nghiệp Ninh Thuận. Câu chuyện hiện nay là tìm DN đủ mạnh, đủ lớn, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn và áp dụng CNC, thương hiệu, chỉ dẫn địa lí, mã vùng trồng, xúc tiến các hoạt động thương mại… để phát triển hơn nữa”, ông Hậu nói.
Tương tự Bình Thuận là địa phương giáp Ninh Thuận cũng có những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với nông nghiệp. Ông Phan Văn Tấn (PGĐ Sở NN&PTNT) chia sẻ: “Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước nên sản xuất nông nghiệp từng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đã xác định tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thích ứng biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.
Chủ trương này thể hiện rõ ràng ở việc cây thanh long, từng là cây trồng đặc trưng của tỉnh, hiện nay dần bị thay thế khi thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả thất thường. Tiên phong trong chuyển đổi cây trồng, ông Dương Minh Quang (chủ nông trại Vy Vy Farm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) đã gặt hái thành công bước đầu khi đưa những giống nho ngoại về trồng trên đất cát.
Dưa lưới trồng trong nhà kính tại trang trại Vy Vy Farm. |
Năm năm trước, ông Quang bắt đầu chuyển đổi diện tích thanh long sang trồng nho, sau 1 năm đã thu hoạch lứa đầu tiên, 4 tháng tiếp theo cắt trái một lần. “Ban đầu kỹ thuật chiết, chăm sóc nho còn khó, tôi phải thuê chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài với tiền công rất cao. Để áp dụng CNC, chi phí ban đầu bỏ ra cũng không ít, có khi mất hàng chục triệu đồng chỉ để nhập một chùm nho về để lấy mắt”, ông Quang kể lại.
Sau thời gian vừa học hỏi, vừa tìm hiểu, ông Quang đã tự chăm sóc được cây nho, nhân giống từ một vườn nay đã lên 4 vườn với nhiều loại nho ngoại. Ngoài thu hoạch nho trái, mỗi ngày vườn còn thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, thưởng thức nho tươi. “Tôi sẵn sàng chia sẻ giống cây, giúp bà con có thêm công việc, thu nhập; ngoài mong chờ vào cây thanh long”, ông Quang nói.
Cách đó không xa là trang trại Tiên Phong Smart Farm của ông Phạm Thanh Phương với 28,5ha trồng dưa lưới trong 48 nhà kính, mỗi nhà kính khoảng 1.200m2. Mỗi tháng trang trại thu về khoảng 70 tấn dưa lưới, hiện giá dưa lưới thấp nhất khoảng 22.000/kg, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Việc trồng dưa lưới trong nhà kính vừa hiệu quả, vừa bảo đảm phòng, chống, chữa bệnh cho cây. Mỗi nhà kính sẽ trồng 1 đợt cây, với 3 - 4 vụ/năm tùy điều kiện thời tiết.
Dưa lưới trồng trong nhà kính tại Tiên Phong Smart Farm. |
Để có thành quả như hôm nay, ông Phương từng “trầy vi tróc vảy”. Ban đầu chuyển đổi vậy, ông có đất, có giống nhưng thiếu nước, trong khi trồng dưa sợ nhất là thiếu nước. Có những thời điểm hạn hán, nước tưới không đủ, cả vườn dưa khô queo tàn lụi, bao tiền bạc, công sức mất trắng.
Mọi chuyện đã thay đổi khi ông Phương học hỏi kinh nghiệm, áp dụng CNC, canh tác nông nghiệp trong nhà kính. Dưa lưới trồng trong nhà kính có thể kiểm soát được độ lớn, ngọt, thơm; chất lượng cao hơn nhiều lần so với trồng theo cách cũ. Trong nhà kính, quy trình canh tác bài bản, khép kín, nếu một khu bị bệnh, kỹ thuật sẽ cách ly khu đó ra trong thời gian nhất định để sâu bệnh hết vòng đời tự diệt, sau đó trồng cây mới. Thu hoạch xong, đất được “nghỉ ngơi” sau khoảng thời gian nuôi cây, vừa bảo đảm không còn mầm bệnh sót lại trong đất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, hiện nay, các mô hình nông nghiệp CNC được triển khai trên địa bàn tỉnh đã phần nào đáp ứng nhu cầu được tiếp cận các kiến thức về kỹ thuật canh tác tiên tiến của bà con nông dân. Một số mô hình hiệu quả đã được bà con nông dân trên địa bàn hưởng ứng, áp dụng vào sản xuất như: Mô hình ứng dụng đèn Led trên thanh long, mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI, mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước....