Theo tiết lộ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ý tưởng trở thành chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam đã được manh nha từ năm 2011 và chính thức được đề xuất vào năm 2012.
Thành công trên mọi phương diện
Sở dĩ, Việt Nam chọn đăng cai APEC vào năm 2017 bởi đây là năm có những điểm đặc biệt. Đầu tiên, APEC đến năm 2020 sẽ hoàn thiện các mục tiêu Bogor nên từ năm 2017 đã phải bắt đầu tính đến tương lai APEC sau năm 2020. Theo hướng này, tại APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra vấn đề tầm nhìn của APEC sau năm 2020 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Trong bối cảnh như vậy, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự tán thành rộng rãi của các nền kinh tế thành viên, tạo được dấu ấn rõ nét.
Thêm vào đó, năm 2017 cũng là năm hơn 10 thành viên APEC vừa trải qua tuyển cử. Trong năm đầu tiên mới được bầu hoặc tái đắc cử, nếu Việt Nam đăng cai APEC, các nhà lãnh đạo các nước này sẽ đến tham dự APEC và thăm Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ khẳng định được vai trò, vị thế trong khu vực, đồng thời tăng cường, thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các đối tác lớn bởi các thành viên APEC là những nước có vai trò quan trọng bậc nhất trên thế giới và trong khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Với việc xác định rõ các mục tiêu và có sự chuẩn bị sớm như vậy, Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao, đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Trong suốt Năm APEC, tổng cộng đã có 243 hoạt động diễn ra, với hơn 21.000 đại biểu tham dự. Trong đó, chỉ riêng tại sự kiện đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao đã có khoảng 11.000 người tham dự, là con số đông đảo nhất trong nhiều năm qua, thể hiện sự quan tâm của các nước với APEC và Việt Nam. Đặc biệt, tất cả 21 nhà lãnh đạo APEC đã tham dự, đánh dấu một trong số ít Tuần lễ Cấp cao trong 10 năm trở lại đây có sự tham dự đông đủ của các nguyên thủ các nước.
Các kết quả của Năm APEC tại Việt Nam đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác của APEC trong giai đoạn mới. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC đến năm 2020 và chuẩn bị tầm nhìn sau năm 2020. Cũng tại Tuần lễ Cấp cao này, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đã tiến hành đối thoại với lãnh đạo của tất cả 10 thành viên ASEAN nhằm tăng cường phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Trong dịp này, Việt Nam cũng đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với tổng giá trị gần 20 tỷ USD với các đối tác.
Tuần lễ Cấp cao và Năm APEC 2017 còn là cơ hội tốt để Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh một nền kinh tế năng động và đổi mới nhằm thu hút đầu tư, thương mại và du lịch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế, còn Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của khoảng 2.200 doanh nghiệp, đều là những con số kỷ lục. Các hoạt động tiếp xúc, kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp tại các sự kiện này sẽ khởi đầu cho những dự án hợp tác trong tương lai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. |
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
Nhìn nhận lại các hoạt động trong Năm APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một bài viết khẳng định, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua đề xuất chủ đề, các ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cách thức chủ trì điều hành các hội nghị, các cuộc đối thoại, gặp gỡ và quá trình thương lượng văn kiện một cách linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận để không chỉ giữ vững đà hợp tác và liên kết APEC mà còn góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược của Diễn đàn trong những thập niên tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp báo chí sau Tuần lễ Cấp cao cho hay, giữa các nền kinh tế trong APEC về quan điểm có những điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác nhau. Trong đó, khác biệt cơ bản là hệ thống thương mại đa biên, như những khác biệt về thương mại tự do, các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, các vấn đề liên quan đến tạo thuận lợi cho đầu tư. Đặc biệt, trong năm 2017, với sự thay đổi ở Mỹ, nhiều nước đặt vấn đề về sự khác biệt về quan điểm “tự do thương mại nhưng phải cân bằng”…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Hội nghị lần thứ 25 Các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC. |
Tại Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức tại Việt Nam, sự khác biệt đó thể hiện trong quá trình xây dựng các văn kiện của Hội nghị Cấp cao và Hội nghị liên Bộ trưởng. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đây cũng là lý do khiến Tuyên bố Cấp cao và Tuyên bố Hội nghị liên Bộ trưởng bị kéo dài thời gian công bố ngoài dự kiến. “Các văn kiện này mất tới 6 ngày 5 đêm ròng rã để thương lượng. Lẽ ra, Hội nghị liên Bộ trưởng khi kết thúc ngày 8/11 phải thông qua văn kiện của cấp bộ trưởng cũng như trình văn bản lên Hội nghị Cấp cao để thông qua nhưng đến cuối ngày hội nghị vẫn chưa thông qua được văn bản. Chính vì vậy nên nước chủ nhà Việt Nam đã phải quyết định kéo dài thêm đến sáng hôm sau với hy vọng các cấp làm việc sẽ thương lượng được với nhau”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, các cấp làm việc đã làm việc xuyên đêm, đến tận sáng hôm sau vẫn không đi đến kết quả vì còn quá nhiều khác biệt… Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam đã phải quyết định vẫn chấm dứt họp hội nghị bộ trưởng và bản thân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phải đi trao đổi với tất cả các trưởng đoàn, đề nghị chấp nhận phương án tạm thời thông qua về nguyên tắc là sẽ có Tuyên bố cấp bộ trưởng và Tuyên bố cấp cao, tiếp tục dành thời gian cho các cấp làm việc thêm. Đây là điều hiếm gặp trong các Hội nghị Cấp cao APEC. “Tôi nói rõ là các nước không thể tới đây, đi về mà không có Tuyên bố bộ trưởng và Tuyên bố cấp cao, và yêu cầu các nước phải hết sức hợp tác, linh hoạt để cùng nhau xây dựng một văn bản”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Qua quá trình thương lượng với rất nhiều cuộc tham vấn các trưởng đoàn các nước về từng câu chữ, cuối cùng, các nước đã có thể đi đến một giải pháp chấp nhận được. “Trong ngày cuối cùng, tận đêm 10/11, trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao, các nước mới thống nhất được văn bản, tạo được sự đồng thuận”, Phó Thủ tướng tiết lộ nói. Không chỉ ra được văn bản, Tuyên bố cấp cao còn có ngôn ngữ mạnh hơn so với tuyên bố của G20 trước đó liên quan đến thương mại, đầu tư.
Về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, sau khi Mỹ rút khỏi, hồi tháng 5 vừa qua, tại Việt Nam, các nước tham gia TPP còn lại đã quyết định tiếp tục thương lượng để đạt được một hiệp định thương mại với tiêu chuẩn cao với các nước tham gia. Tại Tuần lễ Cấp Cao APEC, các nhà đàm phán ở cấp SOM và bộ trưởng đã đạt được những nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, đến Hội nghị Cấp cao của TPP, do thiếu 1 thành viên nên theo sáng kiến của Việt Nam lãnh đạo của 10 nước tham gia cuộc họp đã quyết định giao cho các bộ trưởng tiếp tục thảo luận để có được thỏa thuận về TPP. Cuối cùng, các bộ trưởng đã ra tuyên bố tiếp tục TPP-11. “Trong trao đổi với các nước bạn bè, nhiều người cho rằng Năm APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam nên mới ra được văn kiện do Việt Nam có quan hệ, có các mối quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược với nhiều nước… tạo thế khi đi thương lượng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay…