Dự hội nghị có bà Trần Thị Thúy Hiền - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định, đại diện Hội Luật gia, Hội Công chứng, Đoàn Luật sư, Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố Nam Định cùng đông đảo cán bộ công chức các đơn vị thuộc Sở.
|
Bà Trần Thị Thúy Hiền - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Thúy Hiền - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định cho biết: Năm 2024, xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung, pháp luật nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án trọng điểm như: đường dây 500KV NMNĐ Nam Định I -Phố Nối và đường dây 500KV NMNĐ Nam Định -Thanh Hoá, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công tác giải phóng mặt bằng các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng... tạo động lực thúc đấy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời có tác động lớn đến các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành Tư pháp trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với sự quan tâm rất lớn của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Ông Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định báo cáo tại hội nghị |
Cũng tại hội nghị, ông Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cũng báo cáo dự thảo tóm tắt năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Theo đó, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các lĩnh vực công tác và đạt được một số kết quả quan trọng như: Đã thẩm định 111 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tham gia 86 ý kiến đề nghị xây dựng văn bản QPPL, 75 vụ việc khác theo đề nghị của các sở, ngành, địa phương liên quan đến giải quyết đất đai, đầu tư... Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện chặt chẽ; công tác phối hợp với các sở, ngành điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Công tác quản lý Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh thực hiện. Trong năm, Sở Tư pháp đã thực hiện biên soạn, cấp phát miễn phí cho 100% huyện, thành phố, xã, phường thị trấn 6.000 cuốn Bản tin Tư pháp; 240 cuốn Tập đề cương giới thiệu Luật; chủ trì, phối hợp tổ chức 20 hội nghị trực tiếp, trực tuyến tập huấn nghiệp vụ cho hơn 2.100 lượt báo cáo viên pháp luật, đội ngũ làm công tác pháp chế, hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên cơ sở... Các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức hơn 2.900 hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho trên 307 nghìn lượt người; tổ chức 18 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút hơn 152 nghìn lượt cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; biên soạn, phát hành hơn 759 nghìn tài liệu thông tin, truyên truyền pháp luật các loại.
Tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”, tập trung chỉ đạo, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên. Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND các huyện, thành phố kiện toàn 2.124 tổ hòa giải với 14.263 hòa giải viên, các tổ hòa giải đã tiếp nhận, giải quyết 447 vụ việc, thực hiện hòa giải thành 335 vụ việc (đạt 74,9%).
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được chú trọng, năm 2024 đã thẩm định 29 xã, thị trấn chuẩn tiếp cận pháp luật xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Công tác số hóa sổ hộ tịch hoàn thành 100% đối với các sổ hộ tịch được lưu trữ tại sở, 9/9 huyện, thành phố đã hoàn thành 100% số hóa sổ hộ tịch giai đoạn 1.
Công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại tỉnh đã hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đã tiếp nhận 26.784 hồ sơ (trong đó có 5.567 hồ sơ trực tuyến), đã cấp 26.520 Phiếu lý lịch tư pháp (trong đó có 5.451 hồ sơ trực tuyến) không có hồ sơ quá hạn. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thụ lý 591 vụ việc, đã hoàn thành 484 vụ việc, 100% vụ việc đều đạt chất lượng trở lên.
Công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện 37 vụ việc thông qua hoạt động trực tiếp tại Tòa án; tiếp nhận 186 vụ việc tương ứng với 186 người thuộc diện trợ giúp pháp lý có yêu cầu trong 89 vụ án hình sự.
|
Ông Trần Văn Đỗ, trưởng phòng Tư pháp huyện Trực Ninh tham luận tại hội nghị |
Cùng với đó là nội dung thảo luận của Phòng tư pháp thành phố Nam Định do ông Phan Nhật An, trưởng phòng Tư pháp trình bày về “Kết quả triển khai số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn Thành phố”. Tiếp đó là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn huyện Trực Ninh do ông Trần Văn Đỗ, trưởng phòng Tư pháp Trực Ninh tham gia thảo luận. Thay mặt cho huyện Giao Thủy, ông Trần Minh Tuân, trưởng phòng Tư pháp cũng nêu những điểm nổi bật về xây dựng Nông thôn mới, báo cáo xây dựng cấp xã tiếp cận Pháp luật trên địa bàn…
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trần Thị Thúy Hiền - Giám đốc Sở Tư pháp ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được trong công tác Tư pháp năm 2024. Đồng thời đề nghị cán bộ, công chức ngành Tư pháp cần nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.
|
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Tư pháp trao tặng Bằng khen/ giấy khen cho những tập thể - cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024 |
Nhân dịp này, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng tặng bằng khen, giấy khen cho những tập thể/ cá nhân đã đạt được thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024.