Năm Du lịch quốc gia 2023: Hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như 2022 là năm “chiến thắng” của du lịch nội địa phục hồi và phát triển sau đại dịch thì năm 2023 được dự đoán là năm “lên ngôi” của các hình thức du lịch sáng tạo, kết hợp dựa trên nền tảng sẵn có, tạo ra các giá trị bền vững. Ngành du lịch Việt Nam năm 2023 hướng tới các sản phẩm du lịch xanh, ứng dụng năng lượng sạch.
Bình Thuận có lợi thế là một trong các địa phương có tiềm năng năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất cả nước. (Ảnh minh họa)
Bình Thuận có lợi thế là một trong các địa phương có tiềm năng năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất cả nước. (Ảnh minh họa)

Du lịch xanh với năng lượng sạch

Chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2023 là “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Theo đó, xác định hướng đi của ngành du lịch năm nay tập trung vào các sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác phát triển bền vững.

Với ý nghĩa như vậy, trong suốt năm 2023 sẽ có hơn 200 hoạt động do Bộ VH,TT&DL và tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức với quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế. Cùng với đó là các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023 do 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức. Nổi bật là các chương trình như Lễ hội Ẩm thực quốc tế; Giải đua thuyền Rowing và Canoeing câu lạc bộ toàn quốc; Hội chợ Farm Market; Giải Golf vô địch quốc gia; Tuần lễ vàng du lịch Bình Thuận…

Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Bình Thuận đã có khởi sắc mạnh mẽ, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, Bình Thuận đã đón trên 5,7 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch nội địa đã vượt cao so với chỉ tiêu đề ra, khách du lịch quốc tế gần 88 ngàn lượt, gấp 3,7 lần. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 13.680 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, sử dụng năng lượng sạch, tỉnh Bình Thuận có lợi thế là một trong các địa phương có tiềm năng năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất cả nước. Các yếu tố bản địa tại đây rất phù hợp, thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Nhờ vậy, Bình Thuận có tiềm năng lớn để xây dựng các cơ sở lưu trú sử dụng điện năng lượng mặt trời, tiết kiệm tài nguyên nước và điện, hạn chế tác động đến hệ sinh thái, tối đa hóa các sản phẩm – dịch vụ thân thiện với môi trường…, góp phần phát triển ngành du lịch xanh bền vững.

Du lịch xanh là xu thế chung đang được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn vì ngày càng nhận được sự quan tâm của các du khách. Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng chọn cơ sở lưu trú và các dịch vụ, hàng hóa thân thiện với môi trường, có nhãn sinh thái, đặc biệt là du khách từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho đơn vị du lịch mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương cũng như hoạt động bảo tồn.

Hướng tới du lịch bền vững năm 2030

Du lịch xanh được xem là hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng khai thác các nguồn tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học trong quá trình phát triển, ít phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa…

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế cho nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch truyền thống, khuyến khích ngành du lịch trong nước chuyển dịch sang du lịch xanh bền vững.

Chẳng hạn như Maldives đang nỗ lực thay thế năng lượng điện hóa thạch bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hầu hết các khu nghỉ dưỡng trên đảo đều trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa. Costa Rica ở Nam Mỹ cũng đạt được mục tiêu trên 90% điện từ nguồn năng lượng tái tạo, 30% lãnh thổ quốc gia được bảo tồn, hướng tới mở rộng các khu nghỉ dưỡng siêu xanh. Ngoài ra còn có rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn trên thế giới đã sử dụng toàn bộ hoặc chủ yếu năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành.

Tại Việt Nam, việc lắp đặt điện năng lượng tái tạo, phổ biến nhất là năng lượng mặt trời, mang lại cho các cơ sở dịch vụ lưu trú nhiều lợi ích thiết thực, giúp tiết kiệm chi phí điện hiệu quả cho các khách sạn, nhà nghỉ, resort… Bởi vậy, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang chú trọng phát triển du lịch xanh bền vững, coi điện năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo là một phần quan trọng giúp phát triển du lịch xanh.

Đáng nói, quan điểm này cũng được thể hiện rõ ràng trong Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 về việc “Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính”.

Chiến lược cũng xác định “phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đọc thêm