Hoặc thật đắt, hoặc thật rẻ
Nghiên cứu của văn phòng tư vấn Mỹ, chuyên về công nghệ xe hơi AlixPartners cho thấy trong cả năm 2019, toàn thế giới chỉ sản xuất được 90 triệu chiếc xe đủ loại thay vì 93 triệu như 2018. Ba động lực của nền công nghiệp xe hơi toàn cầu đều “hỏng máy”. Trung Quốc, nguồn tiêu thụ số 1 bị bão hòa, trong lúc Bắc Mỹ và châu Âu bị “đóng băng”. AlixPartners cho rằng “không trông thấy một dấu hiệu nào báo trước tình hình khởi sắc trở lại trước năm 2023”.
Hội chợ quốc tế Thượng Hải hồi tháng 4/2019 đã khai mạc trong bầu không khí kém nhộn nhịp hơn hẳn so với những lần trước, dù Thượng Hải “gần như là triển lãm duy nhất mà không một nhà sản xuất nào dám bỏ qua”. Rõ rệt hơn là cuộc triển lãm tại Frankfurt (Đức) sau đó: Khoảng 20 nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới vắng mặt.
Hiếm khi nào hai biểu tượng ngành xe hơi Pháp là Renault và Peugeot cùng không đặt gian trưng bày. Về phía Nhật, từ Toyota đến Nissan hay các nhãn hiệu ít được khách hàng châu Âu ưa chuộng hơn như Mazda và Suzuki cũng khước từ lời mời của ban tổ chức. Tập đoàn xe hơi Ý Fiat Chrysler gồm những nhãn hiệu từ Alfa Romeo đến Jeep... cũng “lỡ hẹn” với khách tham quan hội chợ.
Ferdinand Dudenhoffer, giám đốc trung tâm nghiên cứu Center Automitive Research (Mỹ), đã phải thốt lên rằng, với ngần ấy tên tuổi vắng mặt, triển lãm Frankfurt mất đi tính quốc tế.
Trong nghiên cứu công bố giữa 2019, AlixPartners nêu bật những nguyên nhân thách thức nền công nghiệp xe hơi toàn cầu. Đứng đầu trong số đó là thị trường Trung Quốc không ngừng sa sút, liên tục đổ dốc trong 15 tháng liên tiếp. Tháng 9/2019, khối lượng xe bán ra giảm 6,6% so với cùng kỳ 2018. Nếu so với tháng 9/2017, thì tỉ lệ giảm sụt là 17%.
Hiệp hội các nhà phân phối xe hơi Trung Quốc cho rằng “không trông thấy ánh sáng cuối đường hầm”. Xe thuộc phân khúc trung bình, như Peugeot hay Renault của Pháp hoặc Ford của Mỹ bị khách Trung Quốc thờ ơ. Vì trong giai đoạn khó khăn, người tiêu dùng chuộng xe rẻ tiền hơn, như xe do hãng Geely của Trung Quốc sản xuất. Còn người giàu vẫn có tiền để sắm xe hạng sang. Các nhãn hạng sang của ô tô Đức từ Audi đến BMW hay Mercedes và Volkswagen đều không bị ảnh hưởng. Thậm chí doanh thu của những tập đoàn này còn tăng lên trong quý 2/2019.
Tại sao thị trường xe hơi Trung Quốc chựng lại? Trước tiên, thương chiến Mỹ - Trung khiến một số người thận trọng dời lại dự định mua xe. Còn có lý do chính quyền Bắc Kinh đã siết lại các khoản trợ cấp khuyến khích mua xe điện. Nhờ có khoản trợ cấp này mà cuối 2018 thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 1,3 triệu chiếc.
Nissan cho 12.500 nhân viên nghỉ việc
Nhìn sang một “thành trì” của ngành ô tô khác là Nhật Bản, Nissan đang gặp vận xui. Đối tác của Renault trải qua giai đoạn khủng hoảng về nhân sự trong ban lãnh đạo sau vụ cựu tổng giám đốc Carlos Ghosn bị bắt và điều tra vì bị nghi dùng tiền công ty phục vụ lợi ích cá nhân. Người kế nhiệm là Hiroto Sikawa cũng không trụ được ở chiếc ghế tổng giám đốc bao lâu vì bị cáo buộc nhận thù lao ngoài khả năng cho phép.
Mức lãi của Nissan trong năm 2019 ước tính giảm đi phân nửa so với năm 2018 và là mức lãi tồi tệ nhất từ 11 năm qua. Mười chín kiểu xe bán ra thị trường Nhật không đáp ứng các tiêu chuẩn về lượng thải khí carbon lại càng khiến xe Nissan mất uy tín so với các đối thủ khác như Toyota. Chỉ yếu tố đó cũng đủ để hủy hoại những nỗ lực của Nissan chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản và làm tiêu tan tham vọng gặm nhấm thêm thị phần.
Trên thị trường quốc tế, lượng xe bán ra tại Mỹ và châu Âu giảm sụt. Nissan hụt hơi trên thị trường Hoa Kỳ vì xe hiệu này bị chê là “rẻ tiền” và thiếu những kiểu xe mới kết nối công nghệ hiện đại. Nissan cũng không có các kiểu SUV hay loại Pick up vốn được người Mỹ ưa chuộng. Trong tình cảnh khó khăn này, mùa hè 2019 hãng xe Nhật thông báo đến 2022 sẽ cho 12.500/138.000 nhân viên nghỉ việc, giảm công suất khoảng 10%.
Tại Hoa Kỳ, hãng xe Ford đã hứng chịu đợt đình công dài ngày nhất kể từ thập niên 70 và 40 ngày bãi công của một bộ phận nhân viên gây thiệt hại hơn 2 tỉ USD cho tập đoàn đang nợ nần chồng chất này. Ford đã phải thông báo cho 12.000 nhân viên thôi việc chỉ riêng tại châu Âu, đóng cửa 6/24 nhà máy đang hoạt động tại châu Âu và “cần tiết kiệm 11 tỉ USD đối phó với môi trường ngày càng bất thuận lợi”. Công ty này ngụ ý hai mối bất trắc, đó là Brexit và chiến tranh thương mại chính quyền Mỹ đã khơi lên.
CO2, ác mộng của các hãng xe
Còn có một nguyên nhân khác khiến các “ông lớn” trong ngành sản xuất xe hơi thế giới phải lao đao, là xe hơi điện và CO2.
Các phương tiện di chuyển đang bước vào một giai đoạn mới, thời kỳ xe hơi không còn là phương tiện được người tiêu dùng yêu thích nhất. Từ nạn tắc đường đến ô nhiễm không khí khiến một phần dân cư ở các thành phố lớn có cái nhìn kém thiện cảm với các loại xe bốn bánh.
Chính vì muốn chinh phục lại thành phần này mà các nhà sản xuất đang bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư vào cả một thế hệ xe hơi cho tương lai và tương lai đang thuộc về các kiểu xe điện. Theo AlixPartners, “trong năm năm tới thế giới sẽ dành ra đến 230 tỉ USD để phát triển xe điện, 60 tỉ để phát triển xe không người lái”. Vấn đề “oái oăm” đặt ra là các hãng xe đã trông thấy các khoản xuất ra vô cùng to lớn nhưng không hề biết là sẽ thu hồi lại được bao nhiêu.
Còn có “cơn ác mộng” với ngành công nghiệp xe hơi mang tên “CO2”. Châu Âu đang trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nên đang siết chặt các chuẩn mực về lượng thải khí carbon. Giới trong ngành gọi đây là “một bức tường thành kiên cố” mà họ phải vượt qua.
Có hai vấn đề đặt ra cùng một lúc cho các hãng xe. Trong lúc xe chạy bằng dầu diesel đã bị chê là độc hại vì phát ra những hạt bụi cực nhỏ không tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng quay trở lại với các kiểu xe chạy bằng xăng. Nhưng xe xăng hiện vẫn thải nhiều CO2. Bài toán càng thêm nan giải khi người tiêu dùng có khuynh hướng sắm các kiểu SUV, xe lớn và nặng, vừa tốn năng lượng vừa thải nhiều khí carbon. Trong các điều kiện hiện nay, ba tổ hợp tên tuổi của châu Âu là Volkswagen của Đức, Fiat của Ý và PSA của Pháp có nguy cơ bị phạt trên 500 triệu euro mỗi bên vì vẫn đang vượt quá ngưỡng CO2 châu Âu cho phép.
Cuối 2019, hai “ông lớn” của nền công nghiệp châu Âu Peugeot Citroen (PSA) của Pháp và Fiat Chrysler (FCA) của Ý thông báo hợp lực với nhau để hình thành tập đoàn sản xuất xe hơi lớn thứ tư thế giới. Cả hai cộng lại sẽ bán ra 8,7 triệu xe/năm, doanh thu lên tới 184 tỉ euro. Theo giới quan sát, cuộc hôn nhân này được đánh giá là có nhiều khả năng lâu bền bởi cả hai đàng đều rất “môn đăng hộ đối” về danh tiếng, hay “của hồi môn”. Hai nhà sản xuất lâu đời này cùng cần có nhau để đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Giáo sư Bernard Jullien, chuyên nghiên cứu về công nghiệp xe hơi, phân tích: “Hiện đang có xu hướng chung đặt ra cho ngành công nghiệp xe hơi thế giới. Đó là các công ty có khả năng sản xuất trên bảy triệu xe một năm thì mới đủ sức chống chọi sức cạnh trên trường quốc tế, có đủ sức đầu tư thêm vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát minh mà không ảnh hưởng đến giá thành của mỗi chiếc xe”.