Rộn ràng chuẩn bị ra khơi sau Tết
Thời điểm này, ngư dân dọc biển miền Trung đang cấp tập chuẩn bị thật tốt cho những chuyến ra khơi “mở hàng” đầu năm.
Tại Quảng Bình, nhiều ngư dân dành những ngày sau Tết để sơn sửa tàu thuyền. Đáng ra, công việc này thường là được làm vào thời điểm cuối năm, nhưng những năm gần đây, thói quen này đã được dời thành “năm mới sửa thuyền”, thứ nhất là để tránh cập rập, thiếu thời gian trước Tết. Sau Tết thảnh thơi hơn, việc tu sửa sẽ được thực hiện một cách kĩ lưỡng hơn. Việc sửa tàu mới cũng mang theo kì vọng về những điều mới mẻ, tươi đẹp sẽ đến trong năm cho ngư dân.
Những ngày này, tại xã biển Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình), hàng chục ngư dân cùng người nhà rộn ràng sửa, sơn tàu, chuẩn bị ngư lưới cụ cần thiết để bắt đầu vào mùa biển mới sau thời gian dài neo đậu để nghỉ Tết Nguyên đán. Chi phí để tu bổ, sơn sửa lại tàu cá rơi vào khoảng vài triệu đồng nhưng với những tàu cá cần phải “đại tu” thì lên đến hàng chục triệu. Tiếng cười nói ồn ã, tiếng trêu đùa nhau với chất giọng địa phương đặc sệt, làm một vùng biển vui như còn đang Tết.
Còn tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngư dân lại tranh thủ thời tiết đang đẹp giong thuyền ra khơi.
Không khí tại cảng cá Phan Thiết khá nhộn nhịp bởi nhiều tàu thuyền đang gấp rút chuẩn bị vươn khơi đánh bắt. Ngày mùng 9 đẹp ngày được nhiều ngư dân lựa chọn để khởi hành ra khơi. Các ngư dân tranh thủ đưa nhu yếu phẩm, nhiên liệu, đá lạnh lên khoang tàu. Chuyến ra khơi đầu năm dự định sẽ kéo dài một tháng với nhiều kỳ vọng cho một năm đánh bắt thuận lợi.
Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước, nhưng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân Phan Thiết gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác thủy sản trên biển năm qua ước đạt gần 58 ngàn tấn, chính vì vậy trong năm mới 2022 những ngư dân đều mong muốn vươn khơi thuận lợi, bù đắp lại khoảng thời gian nghỉ dài do dịch.
Trong khi đó, ở cảng cá Lagi thuộc Bình Thuận, một trong cảng cá có quy mô lớn nhất miền Nam Trung Bộ cũng đang rộn ràng chuẩn bị cho mùa ra khơi. Tiếng máy xay đá, tiếng cười nói, chúc năm mới của ngư dân khiến cảng cá những ngày đầu năm thêm phần rộn rã. Đầu năm, ngư dân mặc áo mới, ai cũng nói lời lành, thoảng trong lời chúc tụng nhau, đều có những câu “tôm cá đầy ghe”, “thuyền về đầy ắp”, “trúng đậm thắng lớn”.
Ông Lê Văn Hải, chủ tàu đánh cá ngụ ở xóm Triều Cường, Lagi cho biết, tàu của ông không nghỉ Tết, đã vươn khơi trọn một mùa Tết, cập bến vào ngày mùng 2 Tết. Sau đó, thủy thủ nghỉ ngơi ăn Tết muộn được hai tuần rồi lại tiếp tục chuyến ra khơi mới. “Hôm mùng 2 tình hình thu hoạch tốt, thủy thủ ăn Tết khá “ấm”. Chúng tôi kì vọng chuyến ra khơi đầu năm mới này lại bội thu”, ông Hải chia sẻ.
Những chuyến tàu bội thu
Mỗi một vùng biển sẽ có một “đặc sản” riêng. Đầu năm, ngư dân thường xuất hành bằng loại hải sản phổ biến, dễ thu hoạch nhất. Như ngư dân vùng biển Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng thì có truyền thống đầu năm đi thu hoạch ruốc (tép biển).
|
Một buổi sáng tàu về ven biển Lagi, Bình Thuận. |
Những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần là thời điểm vào mùa ruốc. Đối với ngư dân, đây là "lộc" từ biển cả ngày đầu năm mới. Đến hẹn lại lên, người đàn ông miền biển sau những ngày đón Tết cùng gia đình thì đến mùng 3 Tết lại bắt đầu giong thuyền ra khơi đánh bắt ruốc. Để rồi, những ngay sau Tết, lúc trời vừa hừng sáng cũng là lúc những người phụ nữ làng chài ở TP Đà Nẵng vội vã xách dụng cụ thu mua ruốc, ra bờ biển chờ đợi tin tàu cập bờ. Tàu đánh bắt ruốc là chiếc thuyền công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ của những chủ tàu vốn không mạnh. Nhưng chiếc thuyền nhỏ bắt ruốc ấy lại chính là phương tiện nuôi sống gia đình họ từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Còn cư dân vùng biển Nghệ An năm nay lại “được mùa” cá trích. Cá trích Nghệ An thịt săn, bùi ngọt vốn được người dân ưa chuộng. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, ngư dân ven biển huyện Quỳnh Lưu tranh thủ thời tiết thuận lợi ra khơi khai thác hải sản, trong đó nghề đánh bắt cá trích giúp bà con thu tiền triệu mỗi ngày.
Thời tiết tháng 2 đầu xuân khá âm u, lạnh và mưa phùn nhưng vẫn không ngăn được sự nhộn nhịp dọc bãi biển xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Từng con thuyền cập bến mang theo đầy hải sản. Nào tôm, cá các loại, nhiều nhất là cá trích. Ngư dân sử dụng thuyền nhỏ đánh bắt gần nơi đây bắt đầu hành trình đi biển từ lúc 4 - 5 giờ sáng và sau 2 – 3 giờ đồng hồ là bắt đầu thu lưới lên thuyền cho đến khi vào bờ. Mùa này, ngư dân chủ yếu đánh cá trích, sau 2 – 3 giờ đi biển về có thể kiếm được 2 – 3 triệu đồng.
Được biết, sau Tết, ngư dân Nghệ An chủ yếu đi biển để đánh bắt cá trích vì đây là mùa cá trích nhiều. Năm nay, cá trích bội thu hơn một số năm khác. Ngư dân đánh bắt được 2-3 tạ cá trích là bình thường.
Toàn xã Quỳnh Nghĩa có khoảng 50 chiếc thuyền khai thác ven bờ với các loại nghề khác nhau, tuy nhiên sau khi ăn Tết xong, bà con chủ yếu đi thả lưới cá trích cách bờ khoảng 2 – 3 hải lý. Nghề đánh cá trích ở ven bờ sẽ có giá trị hơn do con cá đánh lên bờ tươi hơn. Theo bà con ngư dân, giá cá trích hiện tại được thu mua 15.000 – 17.000 đồng/kg. Do đang vào mùa nên mỗi thuyền đi nghề cá trích đánh được từ 1,5 – 2 tạ cá chỉ sau 2 giờ ra biển, thu nhập từ 1,5 – 3 triệu đồng, có hôm gặp may được luồng cá thì thu nhập còn cao hơn.
Về phần vùng biển Phú Yên, thời điểm này cũng là lúc ngư dân đang chuẩn bị giong thuyền ra khơi đợt đầu tiên của năm. Chuyến đi biển cuối cùng của nhiều ngư dân nơi đây là vào những ngày giáp Tết và trở về vào những ngày “còn mùng” trong Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh Phú Yên có tổng số 185 tàu cá với 925 ngư dân bám biển. Sau khi vào bờ ăn Tết muộn với người thân trên đất liền, nhiều tàu cá cùng các ngư dân lại hối hả ra khơi.
Từ ngày mùng 1 đến mùng 10 Tết đã có hơn 30 tàu cập cảng Đông Tác để bán cá ngừ đại dương và các loại thủy sản khác. Sản lượng bình quân mỗi tàu khoảng 1,9 tấn; trong đó có hơn 1,5 tấn cá ngừ đại dương.
Khác với vùng ven biển Sơn Trà sau Tết được mùa ruốc, biển Quỳnh Lưu chủ yếu là cá trích thì thế mạnh của ngư trường Phú Yên là cá ngừ đại dương. Cá ngừ đại dương cũng là đặc sản nổi tiếng của Phú Yên, được bán đi khắp nơi cả nước.
Được biết, tổng sản lượng cá ngừ đại dương từ đầu năm 2022 đến nay do ngư dân tỉnh Phú Yên khai thác được là 35 tấn. Giá thu mua cá ngừ đại dương hiện nay của thương lái ở mức cao là 145.000 đồng/kg (cá đảm bảo tiêu chuẩn loại 1). Với sản lượng và giá thu mua này nhiều chủ phương tiện và ngư dân có thu nhập cao.
Ngư dân Nguyễn Hoàng Nghĩa cho biết: “Năm qua, dù Covid-19 hoành hành nhưng ngư dân tụi tôi đi biển khá đều, do trời thương thu nhập cũng ổn, không túng thiếu. Đợt gần Tết thuyền tôi đã đánh được một mẻ khá “ngon lành”, trong đó có 100kg cá ngừ đại dương. Thời điểm này thời tiết thuận lợi, biển êm, chúng tôi hy vọng biển cả thương tình lại cho một chuyến bội thu, để “mở hàng” cho một năm ngon lành”.
Cuộc sống đã bình thường trở lại, trên những ngư trường dọc theo chiều dài đất nước. Đây đó, đã có những chuyến ra khơi, cập bến đầu năm mang theo niềm vui lòng thuyền ăm ắp cá tôm.
Nụ cười rạng rỡ đầu năm trên gương mặt rám nắng của những người dân miền biển mang theo ước vọng một năm nhiều cá tôm, thu nhập tốt, một năm mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no.