Năm nông dân lấy cái chết để lay động một phiên tòa

(PLO) - Phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Thị Hoa (tức “cò” Hoa, SN 1970, ngụ thôn 2, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lừa 33 tỉ đồng của dân nghèo vừa diễn ra, nhưng có những sự thật đau lòng khác mà cáo trạng không ghi nhận. Bao gia đình đã tan nát mất cửa mất nhà, chồng vợ mất nhau, con cái mồ côi cha mẹ; rồi người bị lừa cùng quẫn tự sát chỉ để mong lay động cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
"Cò" Hoa và các đồng phạm trước vành móng ngựa (ảnh: Tiền Phong)
Bài 1: Tự tử để giữ nhà cho chồng con
Đau lòng nhất vẫn là cái chết trong uất ức của vợ chồng anh chị Đào Thị Phúc (SN 1985) và Nguyễn Hậu (SN 1983, cùng ngụ tại buôn EASang, xã Ea H’ding, huyện Cư Mgar). Bị Hoa lừa “vay ké” sổ đỏ, khi ngân hàng đến tịch thu tài sản là căn nhà duy nhất, người vợ nghĩ quẩn đã tìm đến cái chết mong giữ lại nhà cho chồng con. 
Lời trăng trối đau lòng "Kiện thưa thì luật pháp mấy ai tin”?
Trong căn nhà nơi vợ chồng anh Hậu chị Phúc đã từng sinh sống, bà Trần Thị Truyền (SN 1960, mẹ chị Phúc) cùng hai đứa cháu mồ côi là Nguyễn Minh Lộc (10 tuổi) và Nguyễn Huyền Dịu (4 tuổi) bật khóc: “Vợ chồng nó chết uất chết ức. Nếu không gặp “cò Hoa”, vợ chồng nó chẳng bao giờ phải lâm vào hoàn cảnh nhà tan cửa nát, con cái mồ côi như hôm nay”
Bà mẹ nhớ lại, buổi sáng ngày 29/8/2010, trời mưa, con rể mình không đi cạo mủ cao su mà ở nhà chơi với con gái khi ấy 16 tháng tuổi. Đứa cháu trai 5 tuổi của bà thơ thẩn chơi một mình ở gian ngoài. Nấu cơm cho chồng con xong, chị Phúc một mình đi ra ngoài, mang theo sợi dây điện. Đợi mãi không thấy vợ về, người chồng đi ra hỏi con “mẹ đi đâu?”. Đứa bé trả lời “mẹ mang sợi dây đi ra ngoài rồi”. 
Ban đầu anh Hậu đinh ninh vợ đi nhặt củi. Nhưng đến gần trưa vẫn không thấy, anh mới bắt đầu lo lắng, gọi hỏi thăm khắp nơi. Chiều tối cũng bặt tin, cả họ nháo nhác đi tìm. 
Sang ngày thứ hai, mọi người phát hiện trong cuốn vở của đứa con trai, chị Phúc để lại một bức thư tuyệt mệnh. Bức thư có đoạn viết: “...Nay em quyết định ra đi để tìm riêng cho mình một lối thoát. Trên cõi vĩnh hằng, con sẽ phù hộ cho mẹ và anh cùng hai con, hai em nhỏ dại. Chứ em có sống, làm cả đời cũng không trả nổi món nợ vay của ngân hàng về món tiền mà bà Hoa đã lừa lấy mất. Còn kiện thưa thì luật pháp mấy ai tin. Đã gửi đơn đi đủ cả các nơi. Từ tháng 12/2009 đến bây giờ mà họ có xử đâu...”.
Gia đình tức tốc thông báo lên công an, cùng huy động cả làng đi tìm. Phải đến 10h trưa 30/8/2010, ngày thứ ba từ khi chị Phúc bỏ đi, hai thanh niên cùng tham gia đoàn tìm kiếm mới nhìn thấy một bóng người lơ lửng trong căn nhà rẫy bỏ hoang, cách nhà chị Phúc 300m. 
Lao tới phá cửa căn chòi vào trong, thấy chị treo cổ tự vẫn, thi thể đã lạnh ngắt. Trong căn chòi khóa cửa, nạn nhân đã bẻ ván gỗ chui vào. Trong chòi kê một chiếc giường, chị đã dùng sợi dây điện mang theo cột lên xà ngang, kiễng chân đứng lên thành giường, gieo mình kết thúc cuộc đời. 
Đoàn người đau đớn mang thi thể người phụ nữ nghèo về nhà. Có một chuyện lạ là khi những người thân tề tựu đông đủ, trên miệng người xấu số dù đã chết nhiều ngày, vẫn bất ngờ hộc ra một dòng máu đỏ. Cả làng khóc. Cả làng thương chị đã bị lừa đến uất ức mà chết. 
Bi kịch ấy bắt nguồn từ kẻ lừa đảo Nguyễn Thị Hoa, cấu kết cùng cán bộ ngân hàng Agribank.
Vay 50 triệu, bị “vay ké” thêm 150 triệu
Anh Hậu chị Phúc lấy nhau khi nhà cả hai bên nội ngoại đều nghèo, đều là gia đình đông con, cùng quê Quảng Nam vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Nhà nội khi ấy thậm chí không có nhà để ở, phải ở nhờ nhà rẫy nhà người khác. Kết hôn xong, vợ chồng về nhà ngoại sinh sống. Nghèo nhưng họ thương yêu nhau, biết bảo ban nhau làm ăn, cùng đi cạo mủ cao su. Cứ rảnh lúc nào, chị Phúc lại đi thu lượm ve chai, về nhà còn quanh quẩn nuôi lợn gà. 
Lấy nhau được ba năm, vợ chồng tiết kiệm mua được mảnh đất, một năm sau còn mua được xe máy, xây được căn nhà ra ở riêng. Khi ấy đứa con trai đầu của vợ chồng Phúc đã được gần bốn tuổi, chị lại đang mang thai thêm đứa con gái thứ hai.
Một ngày đầu năm 2009, mẹ con chị Phúc chở nhau đi thăm người họ hàng ở xã Hòa Thắng chơi. Tại đây họ gặp bà Hoa. Cũng kể từ đây mọi sóng gió trong gia đình này nổi lên.
Ở các tỉnh Tây Nguyên, những người trồng cà phê, làm rẫy, chăn nuôi... hầu như ai cũng “khát” vốn. Nhưng mỗi lần có việc cần vay tiền ngân hàng, phải làm rất nhiều thủ tục, phải chạy lên chạy xuống rất rắc rối, mà số tiền vay được cũng không đáng là bao. 
Từ lâu nghe tin Hoa là người chuyên giúp vay được vốn ngân hàng “thủ tục vay rất nhanh, trả tiền rất sòng phẳng”, nên khi tình cờ gặp, nghe Hoa hỏi: “Căn nhà của con xây xong đã có sổ đỏ chưa”, “con có cần vay vốn để làm gì không, đưa sổ đỏ cô làm hồ sơ vay giúp con”, Phúc mừng như “chết đuối vớ được cọc”.
Chị hồ hỏi: “Sổ đỏ con có rồi, con muốn vay thêm 50 triệu đồng để mua thêm mấy mét đất rẫy để mở rộng vườn ra. Lại sắp đến kỳ sinh nở cũng cần tiền, cô vay giúp con”.Chỉ mấy ngày sau khi nhận sổ đỏ, Hoa sai một bác xe ôm mang một bộ hồ sơ xuống cho vợ chồng Phúc ký, mang ra UBND xác nhận. 
Đầu tiên Phúc nghi ngờ bất thường vì ngân hàng chưa về nhà thẩm định giá mà Hoa đã “làm thay”, nên gọi điện hỏi. “Cò” Hoa ngọt ngào: “Hợp đồng làm nhanh vì ngân hàng là chỗ quen biết, cô nói con là cháu ruột của cô. Con cứ ký vào đi. Cô đứng ra bảo đảm. Nếu con không đủ khả năng trả tiền đúng hạn thì cô sẽ trả cả gốc lẫn lãi cho con”. 
Ít ngày sau, Hoa gọi điện xuống bảo vợ chồng Phúc lên ngân hàng ký, lấy tiền về, “cô làm xong thủ tục vay vốn cho rồi”. Chị Phúc vừa mới sinh con được mấy ngày, chỉ có mình chồng đi. Đọc bản hợp đồng, thấy số tiền ghi lên đến 200 triệu đồng, trong khi mình chỉ vay 50 triệu, chồng Phúc hốt hoảng gọi điện. 
Hoa dịu dàng: “Cô làm tăng lên như vậy để con cho cô “vay ké”, rồi cô sẽ chịu trách nhiệm trả tiền lãi cho con”. Người chồng nghe “xuôi xuôi” đặt bút ký vào giấy, còn chữ ký của Phúc thì “cô Hoa lo”.
(Còn tiếp)

Đọc thêm