Ký ức ngưởi ở lại
Đón chúng tôi căn nhà mới, ông Bảo – chồng người quá cố - tâm sự, ông nhớ vợ lắm. Ngôi nhà này cũng nhờ vợ ông chết đi thì mới được người hảo tâm quyên góp xây cho.
Ông Bảo và hai đứa con trai thường xuyên sinh hoạt trong ngôi nhà cũ rách nát phía sau. Đến khi trời tối, hai đứa con của ông lại lên nhà trước ngủ, còn người chồng này vẫn cương quyết không chịu ngủ ở nhà trên.
Đôi mắt rưng rưng ẩn chứa những nỗi đau chồng chất. Cái chết của vợ khiến ông đau nỗi đau không chỉ mất đi người thân, còn ôm trong mình sự dằn vặt, sự bất lực của người đàn ông không làm tròn trách nhiệm để vợ mình phải đi đến quyết định tự vẫn.
Theo hồi ức của người chồng, ngày vợ ông còn sống, tuy cuộc sống gia đình nghèo khổ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn.
Sóng gió bắt đầu nổi lên từ khi vợ ông phát bệnh nặng, không thể đi làm được nữa. Gánh nặng gia đình đặt trọn lên vai người chồng. Vừa lo tiền thuốc cho vợ, nuôi ăn học cho ba đứa con trai với đồng lương phụ hồ 115.000 đồng mỗi ngày nhưng người đàn ông ấy không một lời than vãn.
Chính sự chịu thương chịu khó này của người chồng lại khiến cho người vợ càng thêm đau khổ. Bà hiểu rằng mình chính là chiếc gánh nặng nhất cho chồng, cho con.
“Vợ tôi buồn, khóc nhiều lắm nhưng tôi và các con vẫn hết lời khuyên nhủ, động viên cho bà ấy vượt qua được bệnh tật. Vợ tôi đã nói nhiều lần đến cái chết, mấy cha con tôi đều cố gắng làm cho bà quên đi. Không ngờ đến một ngày bà làm thật”, người chồng đau đớn hồi tưởng.
Đau thương chưa thể nguôi ngoai
Vợ chồng ông Bảo đã từng có cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Hai người đều quê gốc gác ở Cà Mau, gặp nhau trong cảnh nghèo khó nhưng họ đều là những người biết vươn lên. Mỗi ngày hết công việc đồng áng, ông Bảo lại đi phụ hồ, vợ đi mua dừa, mua rau muống về bán ở chợ. Những đứa con lần lượt ra đời. Gia đình dù thiếu tiền nhưng đầy ắp tiếng cười, mọi người yêu thương nhau, động viên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Năm 1994, người vợ phát bệnh. Bà bị đau dây thần kinh khiến khuôn mặt bị méo xệch, rồi căn bệnh lan sang não. Họ đã chiến đấu với căn bệnh của người vợ, với cái nghèo bằng tình yêu thương lẫn nhau và niềm hy vọng từ những đứa con hiếu học. Chẳng ai trong gia đình ấy ngờ rằng có một ngày bất hạnh đã đổ ập xuống.
Ông Bảo thắp nén nhang cho người vợ quá cố |
Người chồng tiếp tục câu chuyện: “Sáng hôm đó, vợ tôi không chịu đi đến phòng khám bác sĩ. Bà ấy nói “chắc tôi phải chết đi thì gia đình mình mới bớt khổ”. Tôi khuyên mãi, bà mới chịu lên xe để tôi chở đi. Đến nơi tôi dặn dò rồi đi làm, đến chiều thì tôi nghe tin vợ mình treo cổ ở nhà. Nhìn vợ nằm đó mà lòng tôi tan nát”.
Sự thật sáng hôm đó bà Nhân không vào khám bệnh, bà đi khắp xóm làng từ giã mọi người. Về đến nhà, bà ngồi viết lá thư tuyệt mệnh dài bốn trang giấy rồi ôm đứa con trai út khóc hồi lâu, dặn dò những lời sau cuối. Khi không còn ai ở nhà, bà lặng lẽ kết thúc cuộc đời mình với đoạn dây thừng trong căn nhà dột nát.
Mọi người như vỡ òa trong xúc động khi đọc những lời sau cùng trong bốn trang giấy đẫm nước mắt. Trong thư để lại, người phụ nữ đáng thương để lại lời nhắn nhủ đến chính quyền địa phương. Bà xin cho gia đình mình được cấp sổ nghèo.
Người chồng bật khóc: “Người ta nói nhà tôi có lao động, thu nhập của tôi một tháng 3 triệu, vợ tôi đi giúp việc nhà cũng được 2 triệu, như vậy là không được diện nghèo. Con trai tôi đi học xin xác nhận của xã để ra ngân hàng vay vốn cũng không được vì không có sổ nghèo. Vợ tôi buồn chuyện này lắm, bà khóc suốt những ngày trước đó”.
Đau đớn hơn, bà mong rằng mình chết đi, sẽ bớt gánh nặng cho chồng con. Số tiền phúng viếng cho mình, bà hi vọng sẽ giúp cho gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Sự hi sinh của bà khiến cho dư luận lặng người đi vì xúc động.
Những lời người vợ để lại trong thư khiến cho mấy cha con ông Bảo như chết đi sống lại. Rõ ràng, để đi đến quyết định tự vẫn người phụ nữ này đã suy nghĩ rất nhiều. Đây không phải là quyết định trong một lúc quẫn trí, mà là một sự hi sinh cao cả mà không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận.
Cuộc sống hiện tại của gia đình ông Bảo so với thời gian người vợ còn sống cũng không khác đi là mấy. Tệ hại hơn, sau cái chết của vợ chưa đầy hai tháng, ông Bảo lại bị tai nạn, phải nằm viện hàng tháng trời.
Sau tai nạn đó, sức khỏe ông lại càng suy sụp, không làm được việc nặng nữa. Cuộc sống hiện tại của bốn cha con ông trông chờ vào số tiền lãi ngân hàng mà ông được những tấm lòng nhân đạo gửi tặng.
Cứ ba tháng, ông lại ra ngân hàng rút được năm triệu tiền lãi. Với chừng đó số tiền ông ráng chắt chiu, dành dụm để nuôi ba đứa con ăn học. Những hôm thấy khỏe trong người, ông lại ra đi thả lưới bắt tôm cá để kiếm thêm từng đồng bạc lẻ.