Quẫn chí làm giàu, tính đường làm cướp
V là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Công đoàn, trẻ tuổi nhưng sớm nuôi mộng làm giàu. Năm 2012, đối tượng vay mượn tiền từ gia đình, bạn bè, mở cửa hàng kinh doanh điện thoại. Vì không có kinh nghiệm, chuyện làm ăn nhanh chóng đổ bể.
Chưa đầy một năm, vốn liếng mất sạch, V còn thành con nợ của nhiều người. Lợi dụng chút ít hiểu biết trong thời gian kinh doanh điện thoại, cuối tháng 10/2013, V rủ bạn gái đi TP. Móng Cái (Quảng Ninh), tìm các đầu mối giao hàng điện thoại. Mục đích là vờ đặt hàng điện thoại nhập lậu về Hà Nội, sau đó giả danh công an để chiếm đoạt.
Ngày 10/11/2013, V dùng sim rác gọi cho chị Ph.T.N (ngụ phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đặt mua 65 chiếc điện thoại di động các loại.
“Khi nói chuyện với tôi để đặt hàng, cậu ta xưng tên là Tuấn. Suốt cuộc nói chuyện, cậu ta nhắc đến khá nhiều nguời buôn bán chợ Vinh Cơ. Tôi nghĩ cậu ta là khách quen nên tin tưởng và đồng ý vụ mua bán này. Sau khi thỏa thuận giá, cậu ta nhờ tôi tìm giúp người vận chuyển hàng xuống Hà Nội, nhận hàng sẽ giao tiền. Tôi yêu cầu cậu ta phải ứng trước tiền vận chuyển, cậu ta cũng đồng ý”, chị N kể lại.
Sau cuộc thương lượng qua điện thoại, để tránh “đối tác” nghi ngờ, V bảo người yêu ra ngân hàng, chuyển năm triệu đồng vào tài khoản của chị N. Nhận được tiền đặt cọc, chị N càng tin tưởng “bạn hàng”, chuẩn bị lô hàng và nhờ một người bạn vận chuyển về Hà Nội.
Lộ tẩy vì "trinh sát không mang thẻ ngành"
Người buôn lậu giấu 65 chiếc iPhone, iPad… giá trị khoảng 641 triệu đồng trong xe chở hoa quả đưa về Hà Nội, hẹn giao hàng vào ngày 16/1/2013 tại Nhà văn hóa khu đô thị Linh Đàm. V rủ thêm anh rể tham gia, phân công người yêu đứng ở đường rẽ vào nhà văn hóa Linh Đàm cảnh giới, khi thấy nhóm người giao hàng đến thì báo tin.
Ngay khi đám người giao hàng xuất hiện, V cùng đồng bọn đồng loạt xông ra chặn đường, đối tượng hô to: “Tất cả đứng yên, chúng tôi là trinh sát đội Đặc nhiệm cảnh sát hình sự Hà Nội đây”. Như vậy, cả lô hàng hơn 600 triệu bị chiếm đoạt không tốn một giọt mồ hôi.
Sau khi “thu giữ” được lô hàng, V tắt máy điện thoại, cùng đồng bọn bỏ trốn. Phía bị hại sau khi đồng ý giao nộp lô hàng cho nhóm cảnh sát “dỏm” lại cảm thấy điều gì đó không bình thường nên quyết định đến Công an Hà Nội trình báo.
Nguồn cơn nghi ngờ là việc một người buôn lậu bị nhóm “công an” tóm lại. Ban đầu nhóm “công an” đưa lô hàng về CAP Hoàng Liệt, nhưng tới cổng trụ sở lại thay đổi lộ trình về trụ sở PC 45 tại số 7 Thiền Quang. Khi người buôn lậu yêu cầu xuất trình thẻ ngành thì các “công an” nói “đi trinh sát nên không mang theo thẻ”. Trên đường đi, các “công an” lại thay đổi ý định, bào: “Thùng hàng này anh sẽ giữ, về bảo chủ hàng xuống gặp”.
Nhận được tin báo, cảnh sát xác định nhóm đối tượng sẽ tìm đầu mối tiêu thụ số hàng chiếm đoạt. Hàng chục trinh sát được rải khắp các cửa hàng điện thoại trên địa bàn Hà Nội để lần tìm manh mối.
Vụ án khó xác định đối tượng vì chính bị hại cũng không rõ danh tính của “bạn hàng”. Phải hơn một tháng sau, trinh sát mới phát hiện một cửa hàng đã mua lại một số hàng lậu nêu trên. Từ đây, công an dần dần xác định được nhóm đối tượng lừa đảo.
Ngoài V, còn có D.Tr.H (20 tuổi), Vũ B.T (20 tuổi), N.T.M.Ph (20 tuổi), đều là sinh viên năm thứ 3 của một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Hà Nội. Riêng đối tượng Đ.T.N (32 tuổi) bỏ trốn.
V khai nhận, sau khi chiếm đoạt số hàng, đã mang gửi nhà bố người yêu, mang đi bán dần để lấy tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn tương tự, nhóm của V còn chiếm đoạt một thùng hàng ở khu vực bến xe Mỹ Đình.