Cảnh rác thải ùn ứ chất đống trong toàn thành phố bốc mùi hôi thối khiến nhiều người nội đô phải sợ hãi. Thế nhưng, với người dân khu vực gần bãi rác Nam Sơn, họ đã phải chịu cảnh sống chung với rác từ nhiều năm nay.
Vô vàn phiền phức
Trước đây, người dân địa phương cũng đã nhiều lần chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn bởi theo họ là không thể chịu nổi cuộc sống cạnh bãi rác này. Theo người dân nơi đây, từ ngày có bãi rác, cuộc sống của họ bị đảo lộn, phát sinh rắc rối. Cụ thể, gần 20 năm, kể từ ngày bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động, người dân khu vực 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn phải chịu đựng nhiều phiền toái.
Đó là tình trạng rác trong bãi bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi đậu kín nhà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nguồn nước và có hiện tượng gia tăng số người mắc các bệnh về đường hô hấp… Không những thế, ô nhiễm tiếng ồn cũng là hệ lụy mà người dân Nam Sơn phải hứng chịu trong thời gian dài bởi số lượng xe di chuyển nhiều, liên tục.
Chia sẻ với phóng viên, bà N.T.L (xã Nam Sơn – Sóc Sơn) nói: “Chúng tôi ở đây chịu nhiều phiền phức lắm. Mùa nắng bãi rác bốc mùi nồng nặc, gió hướng nào thì người dân sống hướng đó phải chịu, mùa mưa tới, sau mỗi trận mưa nắng lên bãi rác lại bốc mùi cả làng chịu chung. Chưa kể đã hai lần xảy ra dịch ruồi khiến cả làng bị ám ảnh, ruồi đậu khắp nhà, chúng tôi phải đeo khẩu trang, ăn cơm phải mắc màn. Trong xóm có đám cưới, đến uống chén rượu chứ không dám ăn vì vừa đặt thức ăn ra ruồi đã đậu kín”.
Cũng như gia đình bà L, hàng trăm hộ dân khác sống trong khu vực bán kính 500m cạnh khu xử lý rác Nam Sơn gần 20 năm nay phải sống trong những phiền toái, bí bách. Họ luôn mong mỏi được di rời ra khỏi bãi rác Nam Sơn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.
Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế không đủ kiên nhẫn đành phải bỏ lại nhà cửa, bỏ ruộng nương để đến nơi khác sống. Còn những gia đình khó khăn hơn chỉ còn cách tiếp tục chờ đợi. Và khi sự bức xúc đến đỉnh điểm, người dân đã phản kháng bằng cách chặn xe vào bãi rác. Bởi cuộc sống khổ sở bên bãi rác nên mỗi lần chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra hứa hẹn về việc di rời, người dân Nam Sơn nơi đây lại được thắp lên hy vọng “đổi đời”.
Thế nhưng, sau rất nhiều lần kiến nghị, đề xuất, hứa hẹn thì đến nay gần 300 hộ vẫn mòn mỏi chờ đợi. Theo người dân nơi đây, năm 2016 khi Chủ tịch thành phố Hà Nội tiếp xúc với họ và hứa hẹn đến hết tháng 4/2019 sẽ di dời, thế nhưng đến nay mọi việc vẫn không được thực hiện như đúng cam kết.
Vì sao chưa di dời các hộ dân?
Một trong những nguyên nhân chính khiến việc di rời các hộ dân chưa thể thực hiện được là do giữa chính quyền và người dân chưa thoả thuận được mức giá đền bù, hỗ trợ. Việc chính quyền đưa ra mức giá đền bù thấp, người dân dùng số tiền đền bù cũng không đủ mua suất tái định cư, chưa kể chi phí còn phải xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới, khiến người dân phản đối gay gắt chính sách đền bù này.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Tiến Lực (xã Nam Sơn) cho hay, người dân tổ chức chặn xe chở rác với mục đích chính là yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội sớm giải quyết bồi thường cho người dân như đã cam kết trước đó.
Theo ông Lực, hồi tháng 1/2019, khi người dân chặn xe rác đòi quyền lợi bồi thường và di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 0-500m, chính quyền thành phố, huyện hứa trong Quý II/2019 sẽ giải quyết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết ổn thỏa nên người dân tiếp tục chặn xe rác. Ngày 3/7/2019, chính quyền địa phương đã đối thoại với người dân để giải quyết khúc mắc nhưng không thành.
“Tại buổi đối thoại, người dân chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố, huyện hoàn thiện hồ sơ, chi trả toàn bộ tiền đền bù cho người dân trong tháng 7/2019. Người dân cũng không đồng tình với mức giá bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất vì quá thấp trong khi giá đất tại khu tái định cư là cao”, ông Lực nói.
Còn theo ông Chu Văn Phát là người dân xã Hồng Kỳ cho biết thêm, mức bồi thường 860.000/m2 đất thổ cư, hơn 78.000 đồng/m2 đất liền kề là quá thấp, không thể giúp cho bà con ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất: “Với số tiền đền bù ấy, cả đất nhà tôi đi nơi khác không mua nổi miếng đất ở khu tái định cư, trong khi khu tái định cư chỉ cách đây có 500m. Bây giờ, ở thì khổ, đi cũng không xong” - ông Phát buồn rầu nói.
Đâu là giải pháp cho người dân sống gần bãi rác Nam Sơn? Đó thực sự là câu hỏi lớn cần có lời giải sớm...
(còn tiếp)