Mục tiêu của TP HCM là vậy. Nhưng nếu xét từ thực tế “điểm nóng” ô nhiễm là Nhà máy rác Vietstar tại Củ Chi, thì mục tiêu ấy có lẽ còn rất xa mới đạt được. Tại nhà máy rác này, bao nhiêu năm qua TP cứ chỉ đạo, dân kêu cứ kêu, xã huyện kiến nghị cứ kiến nghị, còn doanh nghiệp vẫn điệp khúc “sẽ kiểm tra xử lý”, trả lời sai sự thật với báo chí; và ô nhiễm cứ hoàn ô nhiễm.
Trả lời sai sự thật với báo chí
Chuyện ô nhiễm mùi hôi, ruồi nhặng suốt 10 năm qua ở khu vực xung quanh Công ty Cổ phần VietStar trên địa bàn huyện Củ Chi, với người dân và địa phương nơi đây đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Để hình dung về mức độ lớn của nhà máy rác này, cần biết con đường bao quanh nhà máy trên chưa đi hết đã dài tới hơn 3km. Suốt tuyến đường nước đen ngập ngụa, có những đoạn rác dơ dớp vương vãi đầy đường, ruồi muỗi bu đen. Bốn phía xung quanh không còn một mẩu ruộng có sắc xanh.
Một người dân địa phương cho biết từ ngày có nhà máy rác này, nông dân tại đây mất nghề nông, trồng con gì, cây gì cũng thua, ngoài trồng tràm. Mỗi lần gió thổi qua, lập tức mùi rác xộc vào mũi, dù đứng ở cách nhà máy vài cây số.
Bên ngoài bãi rác của Vietstar, có thể nhìn thấy rõ ràng rác đã cao như những ngọn núi, những chiếc máy xúc cồng kềnh là thế, nhưng so với bãi rác chỉ là “tí hon”. Không tường bao ngăn mùi hôi. Hàng cây trồng lưa thưa ở hàng rào có lẽ để ngăn bãi rác với bên ngoài, tất cả đều chết khô.
Bất chấp thực tế không thể chối cãi trên, bất chấp việc PV đã nhiều lần thực địa hiện trường, trong một văn bản trả lời PLVN mới đây, VietStar tự cho rằng “không gây ô nhiễm, không gây mùi”. “Về nước thải, hoạt động của công ty phát sinh khoảng 1.200m3/ngày - đêm nước thải và được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải có công suất 2.000m3/ngày - đêm trước khi thải ra kênh 17. Về khí, bụi được thu gom xử lý trước khi thải ra môi trường…
Mùi hôi phát sinh từ các công đoạn tiếp nhận, phân loại rác thải và ủ phân compost. Công ty đã lắp hệ thống phun, xịt chế phẩm khử mùi tự động. Sử dụng xe máy cày lưu thông phun xịt khuôn viên nhà máy và khu dân cư xung quanh”.
VietStar cho rằng: “Về ruồi muỗi, công ty đã sử dụng 12 người trực 24/7 để khử mùi, kiểm soát côn trùng. Sử dụng những loại thuốc kiểm soát côn trùng đạt chất lượng để ngăn bùng phát về muỗi, ruồi”.
VietStar cho rằng: “Trong khuôn viên nhà máy có số khối lượng lưu chứa tạm thời là chất thải vô cơ. Mục đích của chất thải vô cơ này là dùng để đốt với 11 lò Sankyo theo công nghệ Nhật… Chất thải vô cơ này không gây ô nhiễm và được phủ kín bạt từ trên lẫn đáy nên không phát tán mùi hôi và sẽ được đốt khi xây dựng xong nhà máy đốt rác phát điện vào năm 2020”.
Xã khẳng định “hôi nồng nặc”
Thực tế đã rõ ràng cho thấy Vietstar trả lời sai sự thật với PLVN. Tình trạng nhà máy rác này gây ô nhiễm, bốc mùi hôi, sinh ruồi nhặng đã bị địa phương phản ánh hàng chục năm.
Mới đây nhất, trong cuộc họp giữa VietStar với UBND xã Thái Mỹ ngày 4/3/2019, bà Lê Ngọc Thanh Tuyền (Phó Chủ tịch UBND xã), nêu rõ: “Qua phản ánh của bà con nhân dân trên địa bàn xã Thái Mỹ, nhất là người dân các ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B, Bình Thượng 1, Bình Thượng 2, hiện mùi hôi phát sinh tại khu vực bãi rác VietStar gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân xung quanh công ty, có nguồn nước ứ đọng nhiều bao quanh công ty.
Lối vào nhà máy rác Vietstar |
Từ nguyên nhân trên UBND xã yêu cầu VietStar có biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế mùi hôi, không để mùi hôi từ rác gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn xã. Đề nghị công ty tăng cường công tác phun xịt thuốc khử mùi và diệt ruồi, đồng thời có biện pháp che đậy, phủ bạt rác lộ thiên”.
Ngày 7/3/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi cũng tổ chức cuộc họp về những phản ánh của dân với tình trạng ô nhiễm do hai công ty đưa ra. Phó Chủ tịch xã tiếp tục nêu: “Tình trạng phát sinh mùi hôi từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhiều, mùi hôi nồng nặc, người dân địa phương thường xuyên phản ánh về mùi hôi từ đơn vị (VietStar).
Hiện VietStar có hai đống chất thải trơ tuy có che chắn bạt phủ nhưng chưa triệt để, hiện tượng chất trơ quá nhiều, tồn đọng tại nhà máy, đơn vị cần có giải pháp xử lý hay chuyển về bãi chôn lấp số 3”. Biên bản cho thấy chưa rõ khối lượng chất trơ đang lưu chứa bao nhiêu và khẳng định có “tình trạng tồn đọng nước đen phát sinh mùi hôi tại cống thoát nước.
Còn UBND xã Phước Hiệp cho rằng mùi hôi từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt của nhà máy rác, xã đều có ghi nhận từ cử tri địa phương. Cả hai xã đều “đề nghị đơn vị cần kiểm soát tồn tại về tình hình xử lý mùi hôi, đề ra biện pháp xử lý triệt để mùi hôi phát sinh (mùi hôi nặng nhất vào buổi sáng, chiều tối). Tổ chức đoàn khảo sát thực tế (Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã và công ty) để xác định vị trí và nguyên nhân phát sinh mùi”.
“Điệp khúc” lòng vòng chối bỏ - hứa hẹn
Những cuộc họp như trên không phải lần đầu. Những kêu ca mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước của người dân và chính quyền xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp đã kéo dài rất nhiều năm. Huyện xã đã nhiều lần yêu cầu nhà máy này chấm dứt gây ô nhiễm, nhiều lần báo cáo TP HCM chỉ đạo.
Thế nhưng thực tế ghi nhận cho thấy đến chính quyền huyện xã cũng có khi “bó tay” với sai phạm của nhà máy rác này. Nhà máy rác khi chối bỏ, khi biện bạch đã sử dụng “chế phẩm từ nước ngoài”, rồi hứa và hứa…
Buổi họp ngày 4/3/2019 với UBND Thái Mỹ, VietStar chối bỏ, không thừa nhận việc ô nhiễm là do công ty gây ra. “Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc bao gồm nhiều đơn vị xử lý bao gồm bãi rác Phước Hiệp. Công ty VietStar luôn đảm bảo và duy trì vấn đề phun xịt khử mùi tự động và bằng tay liên tục 24/24 tại các khu vực có phát sinh mùi trong nhà máy”. Và để lại lời hứa chung chung: “Công ty sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh người dân và sẽ tăng cường xử lý mùi có khả năng phát sinh từ nhà máy”.
VietStar cũng đổ lỗi: “Ngoài mùi hôi từ nhà máy VietStar còn có bãi chôn lấp số 3, cần khảo sát việc đơn vị này có phải là nguyên nhân có phát sinh mùi”. Và đưa ra lời hứa: “Đơn vị sẽ kiểm tra và xử lý ngay việc tồn đọng nước tại cống thoát nước”.
PLVN đã đem những vấn đề tồn tại nêu trên tới UBND TP HCM và Thành ủy TP HCM phản ánh, đề nghị có ý kiến về sự việc. Cơ quan chức năng nói gì về sự việc?
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết rác thải sinh hoạt không chỉ là nỗi lo của một vài tỉnh, thành mà đang là vấn đề cấp bách, phức tạp của cả nước.
Hiện lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị toàn quốc phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%.
“Phương án xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp (70%), trong đó nhiều bãi chôn không hợp vệ sinh khiến người dân sống xung quanh bức xúc. Chưa địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện, đạt tất cả tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Hiền nói. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến Việt Nam không tận dụng, tái chế được các loại rác thải phù hợp.
Ông Hiền cho rằng hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với đặc điểm chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam, như: chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm cao. “Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp”, ông nói.
Ngoài ra, việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải bài bản cần vốn đầu tư rất lớn. Hiện TP HCM và Hà Nội dành nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 3,5% chi ngân sách.