Nam Sơn - Bao giờ “câu chuyện” hết dài kỳ? (Bài 2) Đâu là giải pháp cho người dân sống gần bãi rác?

(PLVN) - Người dân sống tại khu vực gần bãi rác Nam Sơn đã chịu cảnh sống chung với rác từ nhiều năm nay và gánh chịu hệ lụy ô nhiễm môi trường phát sinh từ bãi rác. Trong nhiều năm những bức xúc, kiến nghị và hành động phản kháng của người dân nơi đây luôn được dư luận và chính quyền các cấp quan tâm. Nhưng thực tế cho thấy, để có  biện pháp giải quyết triệt để những tồn tại là điều không dễ.
Khu nhà máy xử lý chất thải ở Nam Sơn

Hành động thể hiện bức xúc

Nhiều năm nay, việc người dân sinh sống khu vực gần khu xử lý rác thải Nam Sơn tổ chức chặn xe chở rác vào bãi xử lý rác thải không phải chỉ một hoặc hai lần. Chỉ tính riêng trong năm 2019, người dân nơi này đã 2 lần tổ chức chặn xe ra vào bãi rác.

Sự việc này được cho là hành động thể hiện bức xúc của họ. Người dân bức xúc vì luôn sống trong cảnh ô nhiễm đã 20 năm, vì cuộc sống bị đảo lộn kể từ ngày bãi rác được chuyển về đây, vì các kiến nghị không được giải quyết thoả đáng….

 Hàng trăm hộ dân trong vùng bán kính cách bãi rác 500m  mong mỏi chính quyền các cấp sớm thực hiện các biện pháp để thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ di dời một cách thoả đáng. Hai lý do mà người dân không đồng tình với phương án hỗ trợ, bồi thường hiện nay mà chính quyền đưa ra là: Khung giá đền bù, hỗ trợ người dân còn quá thấp.

Thậm chí, khi người dân phải di dời nhưng giá đền bù cả nghìn mét vuông đất không đủ để mua một suất đất tái định cư. Việc mức giá đền bù không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu là có mảnh đất để ổn định chỗ ở đã không được đáp ứng, thì việc họ có thể xây cất căn nhà lại là điều không tưởng.

Hai là, địa điểm tái định cư mới cũng chẳng cách xa hơn nơi mà họ phải di dời là bao. Người dân ở đây vẫn nói vui rằng: “Chính quyền bỏ chỗ cách 500m để cho dân đến ở chỗ cách 1000m”. Việc chọn khu vực tái định cư của chính quyền các cấp cũng vấp phải sự phản đối từ người dân.

Thậm chí, khu vực chọn để làm khu tái định cư lại có điểm bất lợi về mặt địa lý khi mà phải hứng trọn hướng gió thổi vào từ bãi rác. Nhiều gia đình cho rằng, thà ở chỗ cũ còn hơn vì còn tránh được hướng gió thổi kèm theo mùi hôi thối.

Người dân sống quanh khu vực xử lý rác luôn mang theo và sống cùng nỗi bức xúc. Mỗi khi nỗi bức xúc của họ thể hiện qua hành động thì cả thành phố Hà Nội thấy ngay hậu quả: khắp mọi ngõ ngách, phố phường trong nội đô sẽ “chìm” trong rác.

 Ông C.V.Chất (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) nói: “Chúng tôi chỉ chặn xe rác có 4-5 ngày thôi, thế mà người trong phố đã kêu loạn lên rồi. Chúng tôi sống với rác, với ô nhiễm 20 năm qua, bây giờ để người dân thành phố họ chịu cùng mấy ngày thì có thấm gì so với chúng tôi”. 

Biện pháp nào trước mắt và lâu dài? 

Chính quyền huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân và lên nhiều phương án, kế hoạch, điều chỉnh mức giá hỗ trợ và đền bù. Nhưng dường như các phương án này vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân vì họ chỉ có mong mỏi là sớm thoát khỏi bãi rác.

Khi thoát khỏi được bãi rác, họ cũng cần mái nhà mới, công ăn việc làm để có một cuộc sống mới. Do vậy, để giải quyết vấn đề trong thời điểm “nóng” như hiện nay, có lẽ Nhà nước nên có chính sách, ưu đãi hỗ trợ riêng cho bà con khu vực xung quanh khu xử lý rác thải Nam Sơn. 

Những năm gần đây, công tác thu gom, xử lý rác thải đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường trong một lần trao đổi với báo chí đã nhận định rằng, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của thành phố, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.

Để giải bài toán thu gom và xử lý rác thải nông thôn, TP. Hà Nội đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác, thu hồi nhiệt năng để phát điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của châu Âu. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, định hướng đến năm 2020-2021, thành phố tập trung đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (1 nhà máy), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (2 nhà máy) và Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké - huyện Chương Mỹ (1 nhà máy).

Hiện nay Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày - đêm) đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500, chuẩn bị thủ tục khởi công dự án vào đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng.

Thực tế cho thấy, để các dự án nhà máy đốt rác phát điện sớm được đầu tư, đi vào hoạt động rất cần các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành, hướng dẫn về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt phát điện công suất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chuẩn bị đầu tư các dự án, lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, triệt để. Đối với một đô thị văn minh mà Hà Nội đang hướng tới, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải là giải pháp hiệu quả, bền vững. 

Đọc thêm