Nam thanh niên bị cắt tinh hoàn vì nhập viện muộn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nam thanh niên 19 tuổi bị đau tinh hoàn nhưng chủ quan không đi khám, đến khi nhập viện thì đã muộn, phải chấp nhận cắt bỏ tinh hoàn.

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian gần đây đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì xoắn tinh hoàn, hầu hết đều dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn do bệnh nhân vào viện muộn, bỏ lỡ "thời điểm vàng".

Trường hợp thứ nhất là nam thanh niên 19 tuổi, nhập viện vì cảm thấy đau vùng bìu phải. Cách vào viện 3 ngày, tinh hoàn phải của bệnh nhân đau nhẹ âm ỉ, không sốt, không có rối loạn đại tiểu tiện.

Sau 1 ngày, anh đi khám ở phòng khám tư, được chẩn đoán là viêm tinh hoàn và cho đơn thuốc về nhà uống. Tuy nhiên bệnh nhân không đỡ đau nên đã vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám.

Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy tinh hoàn phải của anh có kích thước lớn, ấn đau chói. Bệnh nhân được chỉ định siêu âm tinh hoàn kèm doppler, kết quả cho thấy tinh hoàn và mào tinh hoàn phải giảm âm lan tỏa, mất tín hiệu mạch trên doppler.

Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn tinh hoàn ngày thứ 3, chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên khi mổ ra, tinh hoàn phải đã hoại tử tím đen do xoắn trong bao thừng tinh 2 vòng. Phẫu thuật viên đành phải cắt tinh hoàn phải của bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nhân thứ 2 là nam sinh 16 tuổi, đau dữ dội tinh hoàn trái một ngày trước khi vào viện. Đi khám, bộ phận này đã có dấu hiệu hoại tử. Dù bệnh nhân được mổ cấp cứu nhưng tinh hoàn tiên lượng không hồi phục được, bắt buộc phải cắt bỏ.

Cùng có chẩn đoán xoắn tinh hoàn nhưng nhiều bệnh nhân "giữ" được "của quý" do đi khám, cấp cứu kịp thời. Điển hình là nam thanh niên 18 tuổi, nhập viện lúc nửa đêm do 2 tiếng trước anh này đang ngủ chợt thấy đau chói vùng bìu bên phải.

Kết quả khám, siêu âm cho thấy tinh hoàn phải của bệnh nhân to, lệch trục, giảm tưới máu trên doppler, tuy nhiên nhu mô tinh hoàn chỉ giảm âm nhẹ, không đồng nhất.

Ngay lập tức, bệnh nhân được đẩy thẳng phòng mổ để can thiệp. Sau khi tháo xoắn, tinh hoàn đã hồng ấm trở lại và bệnh nhân giữ được tinh hoàn phải.

Đau tinh hoàn cấp tính là triệu chứng khá phổ biến và điển hình ở nam giới. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này là do xoắn tinh hoàn. Các bác sĩ cho biết, xoắn tinh hoàn là sự xoắn của thừng tinh (cuống tinh hoàn) bao gồm mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn bị thiếu máu và hoại tử.

Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng chủ yếu gặp ở trẻ sơ sinh và tuổi dậy thì (chiếm hơn 60%) với triệu chứng thường là đột ngột đau chói, dữ dội một bên tinh hoàn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ đau nhẹ tinh hoàn giống như là viêm tinh hoàn vì vậy rất dễ chẩn đoán nhầm.

Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các biểu hiện như: đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn (do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc hoàn toàn lượng máu đến tinh hoàn), bìu sưng to đau, đau có thể lan lên phía trên, tinh hoàn bị xoắn có thể ở vị trí cao hơn bình thường; đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn.

Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.

Đọc thêm