Bệnh nhân là D.T.A, sinh năm 1995, địa chỉ tại quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đi cầu qua đường niệu đạo rất khó khăn; vùng tầng sinh môn rỉ dịch phân lẫn nước tiểu rất hôi.
Qua khám lâm sàng, chụp đại trực tràng cản quang; chụp cộng hưởng từ ổ bụng, tầng sinh môn; nội soi niệu đạo, bàng quang… bệnh nhân được chẩn đoán bất sản hậu môn, trực tràng kèm rò trực tràng, niệu đạo tiền liệt tuyến. Bất sản hậu môn, trực tràng là một loại dị dạng hậu môn, rực tràng thể cao, bệnh nhân không có ống hậu môn và bóng trực tràng.
Ngay sau khi đánh giá hậu môn được tạo hình đã lành, cơ vòng hậu môn co bóp tốt, vừa qua bệnh nhân được phẫu thuật lần hai đóng hậu môn nhân tạo. Hiện bệnh nhân ăn uống tốt, đi cầu được, cơ vòng hậu môn hoạt động tốt.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC) |
Theo BSCK2 La Văn Phú, dị dạng hậu môn trực tràng là bệnh hiếm gặp, cứ 4.000 – 5.000 trẻ sinh ra sống thì có một trường hợp bị dị tật này. Bệnh nhân bị dị dạng hậu môn, trực tràng thường được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viên chuyên khoa nhi, còn ở các bệnh viện điều trị bệnh người lớn thường hiếm gặp.
Dị dạng hậu môn, trực tràng có nhiều loại, trong đó bất sản hậu môn, trực tràng là thể khó điều trị. Hơn nữa, đã 25 năm nay cơ vòng hậu môn không hoạt động nên có phần bị teo và co thắt hơi yếu.
Vì vậy, sau khi được phẫu thuật tạo hình chăm sóc cho hậu môn không bị nhiễm trùng, nong hậu môn cho đủ rộng và đặc biệt tập cho cơ vòng co bóp trở lại là rất quan trọng. Bởi vì, nếu sau khi được tạo hình mà cơ vòng hậu môn co thắt yếu, bệnh nhân sẽ đi cầu không tự chủ, lúc đó xem như cuộc phẫu thuật không thành công.
“Nhìn da dẻ bệnh nhân hồng hào, tươi tắn hơn rất nhiều so với trước, nhất là sau 25 năm bệnh nhân đi cầu được bằng hậu môn như người bình thường, không chỉ gia đình mà ê kíp chăm sóc điều trị, những bệnh nhân cùng phòng biết cảnh ngộ ai nấy đều cảm thấy vui lây”, BS La Văn Phú chia sẻ.