Ông Khánh đánh giá, kết quả này khả quan khi so sánh với năm trước cũng như so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp năm qua trải qua nhiều khó khăn do bất thường thời tiết nhưng xuất khẩu vẫn giữ vị trí chủ lực với giá trị 22,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực nhiên liệu, khoáng sản chứng kiến sụt giảm giá trị qua các năm. Nếu năm 2011, lĩnh vực này chiếm 12% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thì năm 2016 chỉ còn 2%.
Năm 2016, có 24 mặt hàng giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong khi có 28 thị trường có kim ngạch xuất khẩu đạt con số này. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu sang thị trường các đối tác FTA tăng trưởng cao. Cụ thể, Trung Quốc đạt 22 tỷ USD, tăng 28,4%; Hàn Quốc đạt 11,4 tỷ USD, tăng 28%; Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,9%; Ấn Độ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8,7%.
Về cán cân thương mại với Trung Quốc, năm 2016 xuất khẩu sang nước này đạt 21,9 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập về 49,9 tỷ USD, tăng 0,9%. Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc giảm được 4,4 tỷ USD so với năm 2015. Cũng theo Bộ Công Thương, năm 2016 Việt Nam xuất siêu được 2,52 tỷ USD. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đến tham dự hội nghị cho biết, để đánh giá một cách toàn diện về lĩnh vực xuất nhập khẩu trong một năm, Bộ Công Thương nên phối hợp với Tổng cục Hải quan để thống kê lượng hàng hóa vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, buôn lậu; sau đó phân tích những tác động, ảnh hưởng của lượng hàng hóa này đến tình hình xuất nhập khẩu chung của cả năm.