Từ lắp ráp đến xây dựng thương hiệu
Chủ tịch HĐQT, ông Trần Bá Dương nhớ lại ngày đầu đến với vùng đất cát trắng đầy nắng đầy gió của Quảng Nam với hành trang của một DN tư nhân mới được thành lập được 5 năm chỉ làm sửa chữa, buôn bán và mới tập làm lắp ráp ô tô tải, nhưng với một khát khao cháy bỏng là sản xuất lắp ráp ô tô theo chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam vừa được phê duyệt vào cuối năm 2002.
Sau 4 năm đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai với thành công bước đầu là sản xuất lắp ráp về xe tải, xe buýt, năm 2007, Thaco tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp xe con thương hiệu KIA thông qua việc chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn KIA. Năm 2011, Thaco lại tiếp tục hợp tác với Mazda và đã đầu tư, xây dựng, đưa vào hoạt động Nhà máy Vina Mazda công suất 10.000 xe/năm vào năm 2012. Sau 5 năm, nhà máy đã bán ra hơn 70.000 xe Mazda với doanh số năm sau gấp đôi năm trước, riêng năm 2016 đạt hơn 30.000 xe.
Không bằng lòng với việc lắp ráp xe cho thương hiệu nước ngoài, hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt ngày 16/7/2014 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ngày 26/8/2014 của Bộ Công Thương, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018, Thaco tiếp tục đề ra chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với ngành nghề chính là sản xuất ô tô có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực.
Theo Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, việc xây dựng nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda chính là thực hiện theo lộ trình chiến lược đã đề ra. Nhà máy có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD) được xây dựng trên diện tích 35ha (trong đó hơn 12ha nhà xưởng) sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018.
Sau 14 năm Thaco đầu tư vào Chu Lai, đến nay nơi đây bước đầu đã hình thành Khu phức hợp cơ khí ô tô với tổng diện tích đã đưa vào sử dụng gần 400ha với hơn 70ha nhà xưởng. Trong khu kinh tế phức hợp này có khu công nghiệp (KCN) cơ khí ô tô, KCN cảng và hậu cần cảng Nhà máy xe tải và cả Trường Cao đẳng Nghề… Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiếm có nhà máy ô tô nào có nhiều xí nghiệp bên trong, nằm trải dài từ núi ra đến biển. Song quan trọng hơn, Thủ tướng nhấn mạnh: “Công nghiệp ô tô không chỉ là sản xuất ô tô mà còn là thương hiệu của một quốc gia…”.
Đón đầu công nghiệp 4.0
Điều không ít người ngạc nhiên là vì sao một DN ô tô tư nhân trong nước lại “dám” đầu tư lớn trong bối cảnh các công ty liên doanh đang giảm, thu hẹp dần và có thể tiến đến ngưng lắp ráp chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc khi thuế nhập khẩu giảm từ 30% trong năm nay, về bằng 0% vào năm 2018 (trong khi thuế nhập khẩu linh kiện vẫn đang là bình quân 18%)?
Sau 14 năm đầu tư lắp ráp, sản xuất ô tô, đến nay Thaco đã chiếm thị phần hơn 40% về xe tải, 50% về xe khách và đặc biệt với 2 thương hiệu KIA và Mazda đạt hơn 62.000 xe chiếm hơn 26% thị phần và đứng đầu thị trường xe con Việt Nam trong năm 2016 vừa qua.
Tổng vốn Thaco trực tiếp đầu tư giai đoạn 2017 đến 2021 hơn 40.000 tỷ đồng và huy động nhà đầu tư khác là hơn 20.000 tỷ đồng (tổng cộng hơn 60.000 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD), nâng tổng vốn đầu tư của Thaco vào KKT mở Chu Lai trong cả 2 giai đoạn khoảng 6 tỷ USD.
“Thaco chúng tôi không thể chọn lựa cách nhập khẩu nguyên chiếc mà không tiếp tục theo đuổi sản xuất. Vì như vậy, chúng tôi sẽ đánh mất 9.000 lao động là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề đang làm việc ở Chu Lai và hơn 40.000 lao động của các nhà cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng, vận chuyển và đặc biệt là công nghệ cùng với nhà xưởng, máy móc, thiết bị là những nền tảng cơ bản mà chúng tôi đã gây dựng trong thời gian qua…” - Chủ tịch Trần Bá Dương chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, sau năm 2018 Thaco chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ gia tăng tỉ lệ nội địa hóa đặc biệt cho dòng xe con với mức phấn đấu là 40% để có thể tiến đến xuất khẩu ngược lại sang các nước trong khu vực ASEAN. “Chúng tôi tin tưởng khi thuế suất xe nguyên chiếc về bằng 0 thì chắc chắn Chính phủ cũng sẽ có điều chỉnh thuế suất nhập khẩu của linh kiện cho sản xuất, lắp ráp trong nước có tỉ lệ giảm tương ứng nhằm khuyến khích và duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, trong điều kiện công nghiệp ô tô còn non trẻ” – ông Trần Bá Dương kỳ vọng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Bá Dương cũng thừa nhận, Thaco đang đứng trước một thách thức mới, đó là làm sao đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân mua được xe với giá rẻ, hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng thời phải phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam qua đó tạo việc làm, đào tạo nhân lực, giảm nhập siêu, phát triển công nghiệp và có đóng góp tích cực trong việc phát triển nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018; cụ thể là phải cạnh tranh với các nền công nghiệp ô tô đã phát triển từ hơn 50 đến 70 năm và có quy mô về sản xuất và thị trường ô tô lớn hơn rất nhiều lần so với Việt Nam như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
“Chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp ô tô phát triển. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất chính sách tổng thể về thuế suất nhập khẩu và có biện pháp cần thiết để bảo vệ ô tô sản xuất trong nước theo đúng pháp luật và các cam kết hội nhập. Chúng ta sản xuất xe Mazda tại Việt Nam, nhưng cũng đặt vấn đề thị trường xe xuất khẩu tại Việt Nam. Tại sao không?”- Thủ tướng khích lệ.