Sở dĩ nấm tràm có tên như thế là vì nó được mọc lên từ mùn của lá và vỏ cây tràm rụng. Hồi nhỏ cứ đến mùa nấm tràm là tôi thấy khổ sở bởi trên mâm cơm sẽ thường xuyên xuất hiện món yêu thích của mẹ tôi: nấm tràm nấu canh với rau khoai hoặc rau tập tàng (tổng hợp) và tôm sông Hương.
Ngày ấy, cái vị đắng đó khiến tôi rất sợ, nhất là phải uống nước sau mỗi bữa ăn có nấm tràm. Cái vị đắng còn đọng lại trong miệng khi gặp nước trong thì càng đắng ngắt. Mẹ tôi dù thương con nhưng ít khi phải đắn đo có nên nấu món khoái khẩu này của mình hay không. Có lẽ nhờ mẹ “bướng bỉnh” nên lâu dần tôi đâm nghiện cái vị đăng đắng, ngòn ngọt và béo ngậy của mấy cây nấm tràm bụ bẫm.
Dù là nấu canh hay nấu cháo, mẹ tôi cũng đều um nấm với tôm và thịt xong rồi mới nấu. Hơn 30 mùa nấm tràm qua, mẹ tôi nấu cho tôi ăn còn tôi chỉ phụ việc cạo và gọt nấm. Mùa nấm tràm năm nay, tôi đi chợ mua được mớ nấm búp bụ bẫm đầu mùa ngon lành và muốn tự tay nấu cho mẹ dùng để kích thích vị giác lâu nay đang bị chai lì của mẹ. Nhìn mớ nấm tôi mua, mẹ ưng ý lắm, bảo tôi nấu cháo và mẹ “giám sát” từng bước để tôi nấu cho đúng vị.
Đầu tiên, tôi phải cạo lớp ngoài của tai nấm và chân nấm rồi cho vào thau nước lã đã hòa muối sống. Mẹ nhắc là phải nấu nước cho sôi rồi mới thả mớ nấm đã rửa sạch vào và đợi cho nấm sôi qua rồi mới tắt bếp. Mẹ bảo làm như thế cho nấm bớt vị đắng.
Tiếp đó, đổ nấm vào thau nước lạnh cho mau nguội rồi vắt ráo nước. Để cho cháo nấm có vị đậm đà hơn, xào sơ tôm thịt với nấm, dầu ăn và gia vị trước. Cháo gạo vừa chín tới, cho hỗn hợp nấm um tôm thịt vào nấu tiếp cho đến khi cháo sôi thêm lần nữa. Sau khi nêm nếm thêm thắt gia vị, tôi thấy nồi cháo của mình có lẽ đã vừa miệng nên thắc thỏm xắt hành lá vào rồi tắt lửa và múc cháo ra bát.
Tôi đặt nhẹ nhàng một bát cháo nấm tràm nóng bốc khói và một trái ớt xiêm trước mặt mẹ tôi. “Ngon không mẹ?”, mẹ đáp gọn: “Ngon!”. Và đứa con gái vụng về là tôi lúc ấy chỉ biết cảm ơn những cơn mưa giông mấy hôm trước đã mang nấm tràm về.