Nằm vỉa hè Hà Nội qua đêm mong bán hết đào, quất trước giao thừa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Còn một ngày nữa là đến giao thừa - thời khắc chuyển sang năm mới nhưng nhiều người bán đào, quất vẫn đang đang “bám trụ” trong các lều, bạt tạm bợ trên các vỉa hè Hà Nội, với mong mỏi bán hết hàng.

Trên tuyến đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, hàng ngàn cây đào, quất được bày bán dọc vỉa hè cả tuần nay. 29 Tết, đào, quất vẫn còn khá nhiều, người bán dựng bạt, lều để trông hàng, cố bán nốt số cây cảnh này.

Bà Hoa (Sa Pa, Lào Cai), bán đào thất thốn tâm sự: “Xác định dịp Tết kinh tế người dân eo hẹp thế này thì bán buôn vất vả hơn bình thường, khách ít hơn hẳn mọi năm. Mấy ngày nay tôi ăn uống, ngủ nghỉ trên vỉa hè. Dù đệm dày, bạt quây kín nhưng xe cộ qua lại cả đêm, cộng với nỗi lo ế hàng, tôi không ngủ tròn giấc được”.

Chiếc lều của bà Hoa được dựng bằng bạt ở lề đường.

Chiếc lều của bà Hoa được dựng bằng bạt ở lề đường.

Do đã chi phí thuê mặt bằng và phí vận chuyển đào khá cao từ Lào Cai nên bà Hoa cố gắng "bám trụ" bán đến trước giao thừa, với hy vọng thu được vốn.

Đồ dùng sinh hoạt trang bị tạm bợ phục vụ người bán hàng.

Đồ dùng sinh hoạt trang bị tạm bợ phục vụ người bán hàng.

Cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, anh Hiển, một người bán quất than thở: “Trời nắng ấm thì không sao, mấy ngày mưa rét chúng tôi cực lắm. Nằm lều rất ẩm và nhiều muỗi”.

Anh Hiển phủ bạt lên trên tấm gỗ để có chỗ nằm.

Anh Hiển phủ bạt lên trên tấm gỗ để có chỗ nằm.

Anh Hiển đã bán được hơn một nửa số hàng đã nhập về và xác định năm nay "chấp nhận rủi ro", có thể lỗ. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng ăn, nằm trên vỉa hè 1 ngày nữa để "thêm được đồng nào hay đồng ấy".

Tối đến người dân giăng bạt quanh các cây để chống trộm.

Tối đến người dân giăng bạt quanh các cây để chống trộm.

Không có lều nằm nghỉ ngơi như bà Hoa hay anh Hiển, anh Lương (quê huyện Hoài Đức, Hà Nội) rải bạt và nằm dưới gầm cầu để bán và trông coi cả trăm chậu mai.

Anh Lương mang theo ấm đun nước nóng uống để chống chọi trời rét.

Anh Lương mang theo ấm đun nước nóng uống để chống chọi trời rét.

"Tôi cũng như các chủ hàng quanh đây đang cố trụ, cầu may đến chiều tối mai, 30 Tết, những giờ cuối cùng của năm, có thể có chút lãi", anh Lương nói.