"Nạn bằng giả khiến động lực học tập bị triệt tiêu"

 Trong cuộc trao đổi mới đây với PLVN, GS.TS.Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã lên tiếng phê phán về việc vấn nạn bằng giả đang rộ lên ở một số địa phương.

Trong cuộc trao đổi mới đây với PLVN, GS.TS.Đào Trọng Thi (ảnh) - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã lên tiếng phê phán về việc vấn nạn bằng giả đang rộ lên ở một số địa phương.

Khi bằng giả “chiếm chỗ”?

Thưa GS, mới đây, tại An Giang đã phát hiện hàng trăm cán bộ sử dụng bằng giả, GS nghĩ sao về vấn đề này?

- Việc sử dụng bằng giả trong các cơ quan hành chính sự nghiệp là một vấn nạn cần quan tâm. Việc sử dụng bằng giả không chỉ là hiện tượng tiêu cực của riêng ngành giáo dục mà nó là một vấn đề xã hội. Trước hết, người sử dụng bằng giả đã chiếm giữ những vị trí đáng lẽ dành cho những người được đào tạo nghiêm túc. Nếu hiện tượng này trở nên phổ biến thì sẽ trở thành một cách hành xử trong xã hội. Như vậy người dân, mà trước hết là thanh thiếu niên, có còn động lực để học tập một cách nghiêm túc không? Hay tất cả sẽ đều bị triệt tiêu? Đó là điều nguy hiểm!

GS. TS Đào Trọng Thi

Chỉ ở một địa phương nhưng đã phát hiện hàng trăm người dùng bằng giả, lỗi là do chúng ta xử không nghiêm. Tuy nhiên, con số đó chưa phải là lớn vì nếu kiểm tra kỹ hơn, chúng ta có thể phát hiện nhiều hơn nữa.

Ở một góc độ khác, bên cạnh sự tồn tại của nạn bằng giả, chúng ta cần đề cập tới một vấn nạn khác: Vấn nạn bằng rởm. Bằng rởm là tấm bằng có đầy đủ con dấu chữ ký thật nhưng người có bằng không có năng lực như bằng công nhận. Tức là, về mặt năng lực thì chất lượng của người có bằng rởm hay bằng giả cũng tệ hại như nhau và nếu đặt họ vào những vị trí lãnh đạo thì sẽ rất nguy hiểm.

Một “cuộc đua” không cân sức

Dường như trong xã hội, người ta đã bắt đầu thấy sự hiện diện của bằng giả là điều bình thường và chấp nhận chung sống với nó? Vậy theo GS, có cách nào để người dân và đặc biệt là lớp trẻ không bị vô cảm, trơ lỳ trước hiện tượng đó?

- Bằng giả hay rởm thực tế chính là một nội dung về chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay chúng ta đang tìm nhiều giải pháp nhưng chưa tiếp cận đúng vấn đề. Chúng ta mới chỉ nhìn sâu vào nội tại ngành giáo dục, tìm mọi biện pháp ở đó nhưng chúng ta vẫn không nâng cao được chất lượng đào tạo. Thực ra, chúng ta cần tìm động lực khác, chính là ở nơi sử dụng nguồn nhân lực. Vì khi người trẻ hiểu rằng, có thể “chạy” hay “mua” được bằng cấp, vậy họ cần học tốt để làm gì khi mà “chúng tôi chỉ cần một tấm bằng giả hay rởm là chúng tôi có thể đương nhiên được tham gia một cuộc đua khác”? Có nghĩa rằng, có bằng là một nhẽ, nhưng tấm bằng đó không thực sự là cơ sở cho các nhà tuyển dụng, đặc biệt ở khối hành chính sự nghiệp.

Như vậy phải chăng chúng ta đang theo cơ chế “cào bằng”, thưa GS?

- Thực tế, từ trước tới nay chúng ta vẫn theo một lối bình quân chủ nghĩa khi khu vực Nhà nước được giao quyền tự chủ đã bóp méo hình thức tuyển dụng. Trong tương lai, ở khu vực ngoài nhà nước, việc sử dụng người có năng lực sẽ khá rõ nét, bởi sự phát triển gắn liền với việc sử dụng người có năng lực và gắn liền với lợi ích. Đồng thời không bị ràng buộc với những thang bảng lương như khối Nhà nước, nếu hiệu quả công việc cao thì thu nhập có thể tăng vọt.

Bởi thế, hiện nay nhiều cấp vụ Nhà nước vẫn sẵn sàng bỏ ra khối tư nhân. Nhà nước chỉ giữ lại những người có cơ hội thăng tiến, hoặc là những người giỏi nhưng trong một nhịp điệu chung đó thì họ cũng không được tận dụng hết năng lực của mình, hoặc họ đi làm vì nhàn và không bận tâm tới thu nhập. Như vậy rất khó để hy vọng họ làm việc và phấn đấu thật tốt, dù cho bản thân họ khá nhưng lại không có nhu cầu phát triển.

Có phải giới trẻ đang phải sống trong một môi trường không công bằng, thưa GS?

- Nói như vậy là hơi quy chụp và to tát bởi thực tế những hiện tượng cá biệt chỉ xảy ở một số nơi. Do đó, mặc dù có những bất công chi phối làm sai lệch nhưng giới trẻ cũng cần tự khẳng định mình. Vì ở các nước, dù họ không coi trọng bằng cấp nhưng cuộc đua vào những vị trí tốt cũng rất căng thẳng và quyết liệt. Cùng với tấm bằng giỏi, ứng viên phải thuyết phục được người sử dụng, phải bảo vệ được chính mình trong một môi trường làm việc tốt. Phải làm thế nào để mình được đối đãi hơn người khác mới là điều quan trọng.

 

Cần quyết liệt

Vậy chúng ta phải làm sao để giải quyết bằng rởm, bằng giả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực?

- Điều dễ dàng nhận thấy, ở nhiều nước họ không nhìn vào bằng cấp như chúng ta. Nếu ai đó sử dụng bằng giả khai vào hồ sơ, họ sẽ bị quy về phẩm chất, đạo đức chứ không phải năng lực và họ sẽ bị đuổi việc nếu bị phát hiện. Do đó, nếu chúng ta có một chế tài nghiêm khắc thì sẽ triệt tiêu động lực mua bằng, vì mua để làm gì khi nó không có giá trị? Nói như vậy, không có nghĩa là không coi trọng bằng cấp vì nhà quản lý phải dựa vào đó để làm phương tiện, công cụ quản lý trên cơ sở của một đơn vị học thuật. Tuy nhiên, vấn đề là nhà quản lý phải đánh giá năng lực sâu hơn bằng cấp.

Hơn nữa, chúng ta cần có chế độ chính sách theo chất lượng tạo ra nguồn nhân lực, chẳng hạn, tôi học giỏi phải sử dụng xứng đáng ở vị trí cao, thu nhập cao. Thanh niên sẽ có động lực phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng để có được thu nhập tốt hơn. Động lực đó không chỉ với người học mà nhà trường mặc nhiên phải nâng cao chất lượng, tạo uy tín thì các nhà tuyển dụng sẽ chú ý để thu hút sinh viên từ các cơ sở này.

Nhiều trường sẽ phấn đấu để tạo thương hiệu mới thu hút được thí sinh theo học, đồng thời nhà trường có thể thu được mức học phí cao. Do đó, có thể thấy, khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục chính là khâu sử dụng. Bởi hiện nay, phần đa các trường đều có chất lượng vừa phải, học phí thấp, nhưng có khi sinh viên lại phải chi một khoản khá lớn cho thầy, sinh viên giỏi hay rởm ra trường đều được “đối xử” như nhau. Và nữa, có thể em này khá, em kia giỏi ở trường này nhưng chưa chắc đã bằng học sinh trung bình ở một trường có uy tín.

Không phải ai cũng ngoài cuộc

Vấn đề là chúng ta cần suy nghĩ, nhận thức lại việc xử phạt?

- Tôi cho rằng cán bộ Nhà nước xài bằng giả tối thiểu nếu xử lý hành chính, phải chịu thiệt rất nhiều: Nếu phạt tiền, phải phạt gấp 60-70 lần, về đạo đức phải hạ xuống kém. Cùng với đó, nếu trường hợp vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng tới chất lượng chung thì phải bị đuổi việc, truy tố ra trước pháp luật. Nếu làm đến cùng, phải đưa về điểm xuất phát để người xài bằng giả thấy rằng cái giá phải trả là rất đắt.

Và nữa, có nhiều người luôn miệng kêu tiêu cực và nghĩ người khác phải làm, còn mình thì ngoài cuộc. Chẳng hạn, nhiều người kêu ca về vấn nạn phong bì, nhưng ai là người đưa phong bì, chính là người dân. Nhiều khi ít người suy nghĩ rằng mình cũng góp phần tham gia vào những tiêu cực đó, chứ không phải chỉ xử vài ông cán bộ là xong.

Chính vì thế, cần tạo cơ chế để những tiêu cực khó có cơ hội phát sinh, như để tránh phong bì thì cán bộ phải đảm bảo thu nhập. Và nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, phải bị trả giá bằng cả cuộc sống tương đối bảo đảm. Chẳng hạn, thời trước chúng ta đã giữ lại khoản dưỡng liêm để cán bộ nhận sau khi nghỉ hưu. Như vậy, nếu làm nghiêm, tôi sẽ mất việc khi đang còn trẻ và mất một khoản tiền lớn khi về già.

Xin cảm ơn GS!

Gần 100 cán bộ An Giang sử dụng bằng cấp giả

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang cho biết, qua đợt tổng kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ công chức ở các địa phương, cơ quan chức năng đã kết luận có 96 cán bộ, đảng viên ở hai huyện An Phú và Thoại Sơn sử dụng bằng tốt nghiệp hệ bổ túc trung học phổ thông không hợp lệ.

Cụ thể là huyện An Phú có 52 cán bộ, còn lại là của huyện Thoại Sơn. Những cán bộ này đa số đang giữ các vị trí lãnh đạo tại Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn. Tuy nhiên, Huyện ủy Thoại Sơn đã ra quyết định kỷ luật Đảng 16 cán bộ đồng thời xem xét xử lý những cán bộ còn lại. Trong quá trình làm việc, những cán bộ, Đảng viên cho biết đã đăng ký thi tốt nghiệp ở nhiều tỉnh miền Tây và cả Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh nhưng qua xác minh thì những hội đồng thi này không có thật. Do vậy, bằng tốt nghiệp mà những cán bộ này đang sử dụng là giả.

Cũng tình trạng tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra vào ngày 2/6 vừa qua, những giáo viên, cán bộ cấp xã ở tỉnh này bị phát hiện sử dụng bằng giả đã đăng ký thi lại. Trong đó có một số người vẫn đương chức, cố gắng thi lại để mong có bằng thật thế vào.

Nguyệt Thương (thực hiện)  

Đọc thêm