Ghi nhận tại cổng trường THPT Cầu Giấy (Quan Hoa, Cầu Giấy) vào khoảng 5 giờ chiều, từ trong cổng trường hàng loạt học sinh với đủ loại phương tiện xe máy, xe đạp đổ ra đường. Đáng chú ý, theo quan sát của số lượng học sinh sử dụng xe máy quá dung tích quy định diễn ra khá phổ biến. Các loại xe thường được các em sử dụng là các loại xe số như Dream, Honda Wave Alpha 100, Jupiter Yamaha. Tại cổng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giờ tan trường, theo quan sát của phóng viên thì rất nhiều học sinh đi đến trường bằng xe máy thậm chí nhiều em không đội mũ bảo hiểm hoặc có mũ nhưng chỉ treo trên xe mà không sử dụng.
Tình trạng mất ATGT ở lứa tuổi cắp sách tới trường đang trở thành vấn đề nan giải, đặt ra bài toán cho các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ tai nạn ở nhóm này. Trách nhiệm đầu tiên phải kể tới là từ phía gia đình.
Bên cạnh nhiều phụ huynh thản nhiên cho con đi xe máy đến trường thì cũng không ít người biết sai nhưng họ không còn cách nào phù hợp trong việc di chuyển đến trường của con. Không phải gia đình nào cũng có thể đưa đón con vì còn bận đi làm, trong khi các phương tiện khác như xe buýt, xe đạp, xe đạp điện.... lại bất tiện với các em học sinh ở xa. Một phụ huynh hiện tại đang có con trai học lớp 12 cho biết do nhà xa, không có thời gian đưa đón và cháu cũng đi học thêm nhiều nên ngay từ khi con chị học lớp 10 chị đã cho con sử dụng xe máy để đi học. “Cháu nó biết đi xe từ hè năm lớp 9, cháu nó đi vững như người lớn, nhiều lần chở tôi đi chợ, đi làm, tôi thấy không có vấn đề gì”.
Theo điều tra của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy trên 50 phân khối đến trường.
Trước tình trạng học sinh sử dụng xe máy vượt qua dung tích quy định diễn ra phổ biến như hiện nay, thiết nghĩ cần có sự phối hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, để nâng cao nhận thức của giới trẻ đối với vấn đề an toàn giao thông. Ngoài ra, để đảm bảo có thể quản lý một cách chặt chẽ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, xử lý nghiêm trường hợp học sinh vi phạm.