Nạn mua bán người qua biên giới diễn biến khó lường

(PLVN) -  Gần đây phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Các địa điểm tập trung đông người di cư đến như bến xe hay nhà ga… đều có thể sẽ bị tội phạm mua bán người lợi dụng để tìm kiếm và lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. 
Đại diện lực lượng bộ đội biên phòng nêu ý kiến trong một cuộc họp phòng chống nạn buôn bán người
Đại diện lực lượng bộ đội biên phòng nêu ý kiến trong một cuộc họp phòng chống nạn buôn bán người

Chia buồn với thân nhân nạn nhân vụ 39 người thiệt mạng ở Anh

Hôm qua (3/11), ngay sau khi Bộ Ngoại giao báo cáo có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính trong vụ 39 người thiệt mạng ở Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.

Từ Bangkok, Thái Lan (nơi diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN), Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cử ngay các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp sang Anh để làm việc với nhà chức trách sở tại, xử lý các công việc liên quan. 

Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương có các biện pháp phù hợp, “quan tâm chia sẻ động viên gia đình nạn nhân để họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đăng Twitter, gửi lời chia buồn đến người thân các nạn nhân trong xe container ở Anh. “Trước thông tin có nạn nhân người Việt trong số 39 người mất ở Essex, với lòng tiếc thương sâu sắc, tôi muốn gửi lời chia buồn chân thành, sự cảm thông sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Anh trong vụ việc này”, Phó Thủ tướng viết.

Trước đó, cảnh sát Anh ngày 1/11 ra thông báo tin rằng các nạn nhân trong vụ 39 người chết trên xe container là công dân Việt Nam và đang liên lạc trực tiếp với gia đình một số nạn nhân. Các bằng chứng nhận dạng cần thiết để trình lên Viện Pháp y Hoàng gia Anh đang được thu thập nên giới chức Anh chưa thể thông báo danh tính nạn nhân.

Như PLVN đã thông tin, 39 thi thể được tìm thấy trong xe container ở khu công nghiệp gần cảng Purfleet, hạt Essex, đông bắc London hôm 23/10.  

Công an Hà Tĩnh cũng đã khởi tố, bắt giam hai nghi can để điều tra tội Tổ chức, môi giới người khác trốn ra nước ngoài trái phép, hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tội phạm mua bán người tiếp tục sử dụng các phương thức như không tiếp cận nạn nhân trực tiếp mà thông qua các trang mạng xã hội; không trực tiếp đi cùng mà hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực biên giới, xuất cảnh trái phép, sau đó lừa bán; tìm đến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn rồi dụ dỗ đưa ra nước ngoài, sinh con sau đó bán trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ mua bán người thông qua di cư trái phép, di cư lao động hoặc di cư kết hôn.

Thời gian qua, trong các phiên thảo luận về nạn mua bán người trong di cư quốc tế và công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam, đại diện các địa phương cho biết đã nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ nêu tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện mục tiêu chung là “giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. 

Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (138/CP) của tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án phòng, chống mua bán người theo định hướng chung của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020. Các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong việc nắm tình hình, điều tra tội phạm mua bán người, nhất là tại khu vực biên giới, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông phòng ngừa nâng cao nhận thức của người dân cũng như tích cực hợp tác quốc tế. 

Tuy vậy, tình hình tội phạm mua bán người tại Tây Ninh vẫn tiềm ẩn phức tạp do các đối tượng tội phạm với các thủ đoạn tinh vi đã lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác, hoàn cảnh khó khăn của người dân để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia. Theo thống kê của tỉnh, trong giai đoạn từ 2016 - 2018 có 91 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài; nạn nhân được phát hiện và giải cứu có cả người nước ngoài.

Đáng chú ý, gần đây phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Theo đại diện TP HCM, các địa điểm tập trung đông người di cư đến như bến xe hay nhà ga… đều có thể sẽ bị tội phạm mua bán người lợi dụng để tìm kiếm và lừa bán nạn nhân ra nước ngoài. 

Thời gian qua, lực lượng chức năng TP HCM đã phát hiện một số đường dây mua bán người, mua bán nội tạng thu lợi hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu là vụ việc của Tôn Nữ Thị Huyền (ngụ TP HCM) tổ chức và cầm đầu đường dây mua bán thận hoạt động ở TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước. 

Một trong bốn loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện xảy ra gần 1.100 vụ mua bán người, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Chín tháng đầu năm 2019 phát hiện 148 vụ với 238 nạn nhân.

Một số đại biểu các tỉnh như Nghệ An, Gia Lai lo ngại trước nguy cơ mua bán người trong các hoạt động liên quan đến di cư lao động, di cư trái phép, di cư kết hôn. Với phương thức, thủ đoạn tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi như trên, rất có khả năng các đối tượng mua bán người sẽ lôi kéo, dụ dỗ những người có giấc mơ nhanh chóng đổi đời để lừa bán ra nước ngoài.

Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người; để sức mạnh tập thể sẽ được phát huy tối đa nhằm đấu tranh, ngặn chặn nạn mua bán người, một trong bốn loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới theo nhận định của Liên Hợp quốc.

Tuyên truyền cũng là một nội dung quan trọng của mục tiêu số 10 “Ngăn chặn, đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế” trong thỏa thuận quốc tế GCM. Theo đó, các quốc gia cần đầu tư cho các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người di cư và những người di cư tiềm năng về các rủi ro khi di cư ra nước ngoài và hiểm họa của nạn mua bán người.

Điều này là vô cùng cần thiết để người dân có lựa chọn và quyết định đúng đắn khi di cư ra nước ngoài thông qua các kênh di cư hợp pháp, tránh bị dụ dỗ đưa ra nước ngoài trái phép và không gặp phải rủi ro trong quá trình di cư như bị ép buộc lao động, bị bóc lột, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng (như vụ việc 39 người di cư bị phát hiện tử vong trong một chiếc xe container ở Essex, Anh ngày 23/10 vừa qua). 

Với kết quả thảo luận thống nhất tại các Hội nghị phổ biến Thỏa thuận GCM, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Thỏa thuận để trình Thủ tướng xem xét, quyết định triển khai trên toàn quốc.  

Đọc thêm