Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL cho người dân tại địa bàn có chung đường biên giới với Lào

(PLVN) -Chiều 23/9, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo trực tuyến Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân tại địa bàn có chung đường biên giới với Lào. Chủ trì Hội thảo là ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Vụ PBGDPL).

Tham dự Hội thảo có các Lãnh đạo, công chức đại diện các đơn vị chức năng đến từ các Bộ, Ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các sở, ban, ngành; đại diện Phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp - hộ tịch tại địa bàn biên giới thuộc 10 tỉnh giáp Lào. 

Việc tổ chức hội thảo là hoạt động góp phần triển khai hiệu quả Chương trinhg hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào năm 2020.

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tóm tắt thực trạng công tác PBGDPL và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết công tác này có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhờ đó, công tác PBGDPL đã đạt được một số kết quả tích cực. 

 

Về thể chế, chính sách, Luật PBGDPL đã xác định nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo là nhóm đối tượng đặc thù, được quan tâm, tăng cường thực hiện PBGDPL với nội dung, hình thức phù hợp. Nhà nước có chính sách bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng, địa bàn này và giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh trong triển khai thực hiện hoạt động PBGDPL.

Bộ Tư pháp đã đưa nhiệm vụ PBGDPL cho người dân khu vực biên giới nói chung và khu vực biên giới với Lào nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch công tác PBGDPL hàng năm, tạo cơ sở triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Nội dung PBGDPL ở khu vực biên giới giáp Lào rất đa dạng, các nội dung PBGDPL đã bám sát các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của người dân khu vực biên giới, gắn với đặc thù của địa bàn này, tập trung phổ biến các văn bản pháp luật về Luật Biên giới quốc gia, các quy định của Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh; Luật Phòng, chống ma túy; pháp luật về hộ tịch, quốc tịch, di cư tự do…

Có thể nói, công tác PBGDPL đã nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào. Qua đó, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đề xuất nhiều giải pháp

Ngoài những kết quả đã đạt được, còn tồn tại, hạn chế: Điều kiện tìm hiểu chính sách, pháp luật ở một bộ phận người dân còn hạn chế, điều này ảnh hưởng đến việc lựa chọn hình thức và phương thức phổ biến pháp luật; Hoạt động PBGDPL cho cán bộ, nhân dân tại các địa bàn này chủ yếu được thực hiện lồng ghép thông qua việc triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL mà hầu hết các địa phương chưa có chương trình, kế hoạch riêng thực hiện PBGDPL tại địa bàn này…

Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL. Phát huy vai trò đầu mối tham mưu, đề xuất của ngành Tư pháp và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong PBGDPL cho người dân tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong công tác này. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về PBGDPL nói chung và PBGDPL cho các tỉnh có chung đường biên giới với Lào nói riêng. 

Cần đẩy mạnh, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đa dạng hoá nguồn lực cho công tác PBGDPL tại vùng này. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, chú trọng công tác lập kế hoạch theo hướng có trọng tâm, thiết thực. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho người dân khu vực biên giới với Lào trên cơ sở bám sát đặc trưng đối tượng, địa bàn, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị với nhu cầu của người dân; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng bản, cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, chú trọng kỹ năng PBGDPL chuyên biệt cho người dân tại các vùng này. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho người dân tộc thiểu số để tham gia PBGDPL; phát huy vai trò của đội ngũ bộ đội biên phòng, công an xã, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia công tác này.

 

Chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL tại Hội thảo của bộ đội biên phòng, ông Văn Ngọc Quế, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết ngoài công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên, họ còn tham mưu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng biên soạn tờ rơi có nội dung phù hợp với từng địa bàn; Xây dựng củng cố và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, lồng ghép việc PBGDPL vào các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương. Tổ chức Ngày biên phòng toàn dân, các mô hình thanh niên xung kích bảo vệ đường biên, thôn, xóm, bản làng bình yên không có tội phạm ma túy, mô hình tiếng kẻng vùng biên…

 

Còn Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên, ông Trần Thanh Hưng đề xuất, kiến nghị tiếp tục thực hiện nội dung biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên với Sở Tư pháp tỉnh Phông Sa Ly nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà hai bên đã xác định hàng năm; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất những nội dung hợp tác  mới phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn cỉa hai bên nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về PBGDPL tại khu vực biên giới; tiếp tục nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả đã được triển khai thực hiện trong thực tế…

 

Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp, ông Lê Vệ Quốc đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự và cho biết công tác PBGDPL thời gian qua có nhiều khởi sắc, gặt hái được nhiều thành quả, góp phần ổn định đời sống kinh tế - chính trị của người dân ở khu vực biên giới Việt - Lào. Tuy nhiên, công tác PBGDPL còn tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân do khách quan, chủ quan mang lại. 

Theo ông Quốc, Hội thảo đã đưa ra 6 nhóm định hướng cụ thể. Và trên cơ sở này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, từ đó xác định được các giai pháp mô hình có hiệu quả như mong đợi. Cụ thể, trong thời gian tới cần khai thác triệt để những mô hình, cách làm hay của bộ đội biên phòng đang triển khai và sắp triển khai là mô hình xe tuyên truyền lưu động; Cần đảm bảo nguồn lực cho công tác PBGDPL.

Lồng ghép công tác PBGDPL với các hoạt động khác, nhất là hoạt động văn hóa, văn nghệ;  Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Có thể chia sẻ các dữ liệu số trên cổng thông tin, xây dựng chuyên mục PBGDPL cho khu vực có chung đường biên giới với Lào để mọi người có thẻ chia sẻ cách làm hay, mô hình hay cho nhau; Củng cố lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên theo đó, những người này phải am hiểu ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào thì nói họ mới nghe; Xây dựng các bộ tài liệu phù hợp về văn phong, ngôn nữ, nội dung vấn đề cần tuyên truyền. 

Đọc thêm