Nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên

(PLO) - Đây là một trong những mục tiêu mà dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 hướng tới nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ trọng tài viên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Triển khai Luật Trọng tài thương mại, tổ chức, hoạt động trọng tài thương mại đã từng bước được củng cố và phát triển. Theo Bộ Tư pháp, số lượng vụ, việc được giải quyết bằng trọng tài đang có xu hướng tăng, loại tranh chấp được trung tâm trọng tài giải quyết cũng đa dạng hơn, đồng thời, chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được nâng cao, hoạt động trọng tài đang dần đi theo hướng chuyên nghiệp.

Hoạt động trọng tài trong thời gian qua góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại nhanh chóng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, giảm tải cho hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. 

Đội ngũ trọng tài viên đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và từng bước được nâng cao chất lượng. Nhiều trọng tài viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực hội nhập quốc tế như bảo hiểm, thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu... và có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ khi tham gia các vụ việc tranh chấp quốc tế. Các trung tâm trọng tài từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động. 

Hoạt động trọng tài thương mại với sự hỗ trợ từ phía cơ quan Tòa án thông qua việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích của các bên tranh chấp và việc đảm bảo hiệu lực thi hành đối với phán quyết trọng tài đã tiếp tục tạo dựng và nâng cao sự tin tưởng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về tính hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, qua đó, góp phần thu hút, khuyến khích các bên lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp và nâng cao tính hiệu quả của phương thức giải quyết trọng tài. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, hoạt động trọng tài thương mại đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như  chất lượng đội ngũ trọng tài viên vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số trung tâm trọng tài còn thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất; công tác quản trị, điều hành trung tâm còn lỏng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp; số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài đã có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn việc giải quyết các tranh chấp thương mại thì vẫn còn ở mức khiêm tốn; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài còn chưa được quan tâm đúng mức; 

Trước tình hình nêu trên, việc ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 là cần thiết.

Dự thảo Đề án đề ra mục tiêu cụ thể về hoàn thiện thể chế về pháp luật thương mại, trọng tài thương mại và hệ thống pháp luật hỗ trợ hoạt động của trọng tài thương mại nhằm đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có hiệu quả, đảm bảo các phán quyết trọng tài đã có hiệu lực pháp lý được thi hành trên thực tế, hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài thiếu cơ sở pháp lý; xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định pháp luật trọng tài thương mại, đặc biệt là giám sát việc hủy phán quyết trọng tài; giám sát việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Đặc biệt, về đội ngũ trọng tài viên, Dự thảo Đề án đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trọng tài viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu như đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nghiên cứu, triển khai việc thành lập Hiệp hội trọng tài thương mại toàn quốc nhằm hỗ trợ việc phát triển hoạt động trọng tài nói chung và phát triển đội ngũ trọng tài viên nói riêng; nghiên cứu xây dựng, ban hành và triển khai Bộ quy tắc đạo đức mẫu về nghề nghiệp trọng tài viên. 

Về trung tâm trọng tài thương mại, Dự thảo Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể về tổ chức và hoạt động của trung tâm trọng tài thương mại như nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quản trị của các trung tâm trọng tài; Nâng cao tính chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế của trung tâm trọng tài, các trung tâm trọng tài chú trọng xây dựng đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ phù hợp. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trọng tài viên quốc tế, luật sư nước ngoài, chuyên gia, luật sư trong nước giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ tham gia giải quyết tranh chấp trọng tài. 

Dự thảo Đề án để ra mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trọng tài thương mại, có cơ chế ưu đãi về thuế đối với các trung tâm trọng tài; củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở Trung ương và địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về trọng tài thương mại; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trọng tài của các trung tâm trọng tài; vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các trọng tài viên.

Đọc thêm