Bên cạnh những TPL, văn phòng TPL tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì cũng xuất hiện những hành vi, những dấu hiệu sai phạm trong quá trình hành nghề, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và uy tín, hình ảnh nghề TPL, đòi hỏi phải được chấn chỉnh, xử lý.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), pháp luật hiện hành không có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong tổ chức và hoạt động TPL nên tới đây cần bổ sung các hành vi vi phạm hành chính này và chế tài xử lý vi phạm tương ứng. Qua rà soát, tổng hợp các hành vi vi phạm trên cơ sở thực tiễn công tác quản lý nhà nước và tham khảo các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác, Cục đã quy định các chế tài xử lý vi phạm tương ứng với mức độ của từng hành vi vi phạm đó.
Dự kiến các hành vi được phân chia thành 3 nhóm theo chủ thể thực hiện hành vi, là nhóm các hành vi vi phạm về hồ sơ, thủ tục về TPL, văn phòng TPL; nhóm các hành vi vi phạm quy định về TPL và nhóm các hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng TPL.
Từ việc quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động TPL, Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP Hà Nội) Nguyễn Xuân Quỳnh nhận thấy có nhiều biểu hiện vi phạm trong hoạt động TPL. Cụ thể, về tổ chức, hoạt động của văn phòng TPL, có việc tự do hoạt động của các văn phòng TPL như việc văn phòng TPL cộng tác với các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư và treo biển, tiếp nhận hồ sơ, thụ lý hồ sơ tại các địa điểm của tổ chức hành nghề công chứng hoặc luật sư mà văn phòng TPL cộng tác hoặc mở các địa điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu lập vi bằng không đúng trụ sở đã đăng ký hoạt động.
Ngoài ra, có việc văn phòng TPL tiếp nhận và cho phép TPL hành nghề tự do, như TPL đăng ký hành nghề tại văn phòng TPL với tư cách là TPL làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhưng không hưởng lương mà TPL tự tìm kiếm khách hàng, lập vi bằng sau đó đóng dấu của văn phòng TPL và phát hành vi bằng; lợi nhuận từ việc lập vi bằng chia theo tỷ lệ thỏa thuận với văn phòng. Ông Quỳnh nhận định, đây là việc làm dễ dẫn đến tình trạng vi bằng không được kiểm soát chặt chẽ về mặt nội dung, về mức thu phí dẫn đến tranh chấp giữa người yêu cầu lập vi bằng với TPL, với văn phòng TPL, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của văn phòng TPL nói riêng và hoạt động TPL nói chung.
Bên cạnh đó là việc văn phòng TPL tiếp nhận và cho phép TPL đăng ký hành nghề tại văn phòng TPL với tư cách là TPL làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhưng thực tế lại không hành nghề. Đối tượng này chỉ gửi danh sách vào văn phòng TPL để tránh việc hết hiệu lực của quyết định bổ nhiệm. Ông Quỳnh kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đưa thêm quy định về việc TPL hoạt động không liên tục hoặc không hoạt động trong một thời hạn nhất định thì Sở Tư pháp đề nghị miễn nhiệm đối với các trường hợp trên.
Về TPL, theo ông Quỳnh, vi phạm của các TPL hiện nay là chưa rõ ràng vì các chế tài, quy định về lỗi hành vi của TPL chưa có. Mặt khác, tại Hà Nội cũng chưa phát sinh các sai phạm của các TPL trong hoạt động hoặc chưa phát hiện các sai phạm thực tế.
Tuy nhiên, ông Quỳnh chỉ ra một số hành vi vi phạm có thể phát sinh trong quá trình lập vi bằng như hành vi không trung thực trong việc sử dụng giấy tờ của người yêu cầu lập vi bằng, hành vi thông đồng với người yêu cầu lập vi bằng để tạo chữ ký giả của những người tham gia trong vi bằng, hành vi mời người làm chứng mà những người làm chứng có thể là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến một trong những người tham gia vào vi bằng dẫn đến việc làm chứng không khách quan, trung thực, hành vi ngụy tạo chứng cứ giả mạo để có lợi cho người yêu cầu lập vi bằng nhằm trục lợi cá nhân…
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng tán thành sự cần thiết phải có các quy định cụ thể về các hành vi vi phạm của TPL, của văn phòng TPL, từ đó quy định các mức phạt cụ thể để góp phần nâng cao hình ảnh TPL trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ông Lạng cho rằng, nên chia các vi phạm thành hai nhóm gồm nhóm hành vi vi phạm của văn phòng TPL và nhóm hành vi vi phạm của TPL.
Nhóm 1 bao gồm các hành vi nêu tại nhóm 1 và 2 như dự kiến của Cục Bổ trợ tư pháp nhưng cần sắp xếp theo thứ tự những hành vi trong việc xin thành lập văn phòng, trong đăng ký hoạt động và trong việc tổ chức hoạt động của văn phòng theo các quy định của pháp luật. Nhóm 2 bao gồm tất cả các vi phạm trong việc lập vi bằng, trong việc tống đạt văn bản, trong việc xác minh điều kiện thi hành án và trong việc tổ chức thi hành án của TPL.