Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo các nhà trường Quân đội

(PLVN) -  Nhằm xây dựng nhà trường Quân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà trường Quân đội hiện đang đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, cụ thể hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được đầu tư xây dựng ngày càng chuẩn hóa.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được đầu tư xây dựng ngày càng chuẩn hóa.

Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Theo báo cáo của Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, trong năm học 2020-2021, các cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội đã chủ động khắc phục khó khăn, nhất là những tác động từ đại dịch COVID-19, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát thực tế. Dạy học ngoại ngữ, huấn luyện thể lực, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn được tăng cường.

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, công tác kiểm tra, phúc tra, kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) có nền nếp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được đầu tư nâng cấp. Công tác hợp tác về GD-ĐT được tăng cường. Những hạn chế, tồn tại của năm học 2019-2020 cơ bản được khắc phục, chất lượng GD-ĐT được nâng lên. Cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chỉ huy tốt nghiệp ra trường cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương sự cố gắng phấn đấu của các cơ quan, đơn vị, nhà trường và những kết quả đạt được trong công tác GD-ĐT năm học 2020-2021. Để xây dựng quân đội hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó phải nâng cao chất lượng GD-ĐT của các nhà trường quân đội. Cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi và xây dựng các văn bản chỉ đạo công tác GD-ĐT phù hợp với đặc thù của quân đội; xây dựng, hoàn chỉnh các đề án, bảo đảm sát thực tế, có tính khả thi cao; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để các nhà trường quân đội thu hút được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, phúc tra công tác GD-ĐT, công tác thi, kiểm tra, thực hiện dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất; tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm học liệu số, số hóa giáo trình, tài liệu, bài giảng điện tử.

Các cơ quan chức năng và các trường cần phối hợp chặt chẽ, tham mưu hiệu quả với các cấp để bảo đảm đủ cơ sở vật chất, tài liệu, thao trường, bãi tập, mô hình học cụ, phục vụ công tác GD-ĐT. Cần thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong tiếp nhận học viên cũng như trong quá trình đào tạo; đồng thời duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện.

Hội nghị đã công bố Quyết định tặng Bằng khen của Tổng Tham mưu trưởng cho 41 tập thể và 45 cá nhân có thành tích tốt trong năm học 2020-2021.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, công tác GD-ĐT và hệ thống nhà trường trong Quân đội đã có những bước phát triển, giữ vững chất lượng đào tạo, từng bước tiếp cận nền khoa học quân sự hiện đại, phương pháp giáo dục tiên tiến của quân đội các nước trong khu vực và thế giới.

Công tác quy hoạch hệ thống nhà trường Quân đội có nhiều tiến bộ. Sau nhiều năm nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay, hệ thống nhà trường Quân đội đã được đầu tư, quy hoạch, xây dựng ngày càng chính quy, mẫu mực, hiện đại, bảo đảm tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, vừa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hiện tại, vừa đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong tương lai. Hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được đầu tư xây dựng ngày càng chuẩn hóa, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo có tính đặc thù của từng trường, đồng thời đi tắt, đón đầu các công nghệ hiện đại.

Một số nhà trường Quân đội đã được quan tâm thí điểm đầu tư, xây dựng theo mô hình “Nhà trường thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; tiêu biểu là Học viện Quân y và Học viện Kỹ thuật quân sự đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là trường trọng điểm quốc gia.

Xác định nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quan trọng đối với chất lượng giáo dục, đào tạo, là “máy cái” trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống nhà trường Quân đội triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ này bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu, độ tuổi phù hợp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm, kiến thức, năng lực chuyên môn đạt chuẩn theo yêu cầu chung của quốc gia và Quân đội.

Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của các trường Quân đội có trình độ đại học trở lên tăng từ 76,37% lên 98,07% (tăng 21,70%), trong đó trình độ sau đại học tăng từ 20,96% lên 40,40% (tăng 19,44%). Đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, đào tạo cả trong, ngoài Quân đội và đào tạo ở nước ngoài, bảo đảm vừa có trình độ lý luận, ngoại ngữ, vừa có kiến thức thực tiễn, có năng lực, nghiệp vụ sư phạm. Các học viện, trường tích cực cử giảng viên, giáo viên đi thực tế ở các đơn vị để khảo sát, nắm bắt chất lượng học viên ra trường và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có sự tiến bộ, trưởng thành vượt bậc, tỷ lệ được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhà giáo giỏi cấp Bộ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Việc chăm lo về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, chế độ cũng được các học viện, nhà trường đặc biệt quan tâm, góp phần thu hút, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT của Quân đội.

Các trường xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị và bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, bậc học. Các chuyên ngành đào tạo mới được xây dựng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội. Quá trình triển khai thực hiện, các học viện, nhà trường Quân đội đã làm tốt công tác khảo thí, đánh giá chất lượng dạy học, làm tốt việc kết hợp giữa huấn luyện, đào tạo với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho người học, bảo đảm cho các đối tượng học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có đủ năng lực, trình độ, đảm nhiệm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GD-ĐT, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Quân đội.

Đọc thêm