Trước xu thế chung của thế giới và để chủ động trong ứng phó với các tranh chấp đầu tư quốc tế có thể phát sinh, Vụ Pháp luật quốc tế - đơn vị đầu mối, trực tiếp tham gia giải quyết một số tranh chấp đầu tư quốc tế quan trọng, phức tạp mà Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ phân công là Cơ quan chủ trì. Đến nay, Vụ Pháp luật quốc tế đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ trong vai trò là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó có một số kết quả nổi bật.
Năm 2020, Vụ đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư nhằm thay thế Quyết định số 04/2004/QĐ-TTg và Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. Sự ra đời của các văn bản nói trên đã giúp tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động phối hợp trong phòng ngừa và xử lý các tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam của các cơ quan nhà nước.
Về đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho cán bộ tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ của các cơ quan trung ương và các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Vụ Pháp luật quốc tế còn tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện tốt công tác hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan, địa phương trong phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế khác.
Từ năm 2014 đến nay, Vụ Pháp luật quốc tế hỗ trợ tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế như xây dựng, hoàn thiện chiến lược giải quyết vụ kiện đầu tư, tiến trình tố tụng tại trọng tài quốc tế… và hỗ trợ các Cơ quan chủ trì thực hiện một số hoạt động khác như thuê luật sư tư vấn, chỉ định trọng tài viên, tham gia các phiên xét xử.
Thực tế cho thấy, các tranh chấp đầu tư và các khiếu kiện quốc tế về đầu tư là không thể tránh khỏi trong hoạt động đầu tư quốc tế và ngày càng trở nên phổ biến. Bị đơn trong các vụ kiện này không chỉ là các nước đang và kém phát triển thường xuyên tiếp nhận đầu tư nước ngoài mà còn bao gồm một số quốc gia phát triển như Canada, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha…
Các vụ kiện đầu tư quốc tế một khi đã bắt đầu thì bị đơn là các quốc gia tiếp nhận đầu tư thường là bên phải chịu nhiều thiệt hại, tổn thất như phải gánh chịu các chi phí tố tụng, nguy cơ phải bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư bị tác động xấu…
Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ đầu mối của Bộ Tư pháp trong đại diện pháp lý cho Chính phủ đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: yêu cầu về sự tham gia trong chủ trì, phối hợp giải quyết tranh chấp ngày càng nhiều do các khiếu nại, khiếu kiện đầu tư quốc tế tăng về số lượng và phức tạp về nội dung; nguồn lực phục vụ nhiệm vụ Cơ quan chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ, trong đó có nguồn nhân lực, còn chưa được đảm bảo; nhu cầu đối với công tác đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp tại các bộ, ngành cũng như tại Bộ Tư pháp ngày càng cao và đòi hỏi nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chuyên sâu…
Thời gian tới, để phát huy vai trò đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp trong đại diện pháp lý cho Chính phủ, Vụ Pháp luật quốc tế sẽ tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, đủ về số lượng, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tiến tới hình thành đội ngũ chuyên gia về giải quyết tranh chấp quốc tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu pháp luật quốc tế, pháp luật trong nước phục vụ quá trình thực thi công vụ.
Quán triệt việc tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo đúng Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg, qua đó nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh của Vụ trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, gắn với quá trình cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.