Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản

(PLVN) - Sáng 14/8, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Tư pháp về việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới” (Chỉ thị số 20). Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho biết, công tác xuất bản sách lý luận chính trị sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20 đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, nội dung và hình thức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị ngày càng được tăng cường, đổi mới. Vai trò cơ quan chủ quản dành cho nhà xuất bản tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện để công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhận thức của các cơ quan Đảng, nhà nước, nhà xuất bản và bạn đọc về tầm quan trọng của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đối với đời sống xã hội có bước chuyển biến rõ rệt.


Kết quả quan trọng nhất sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20 đối với Bộ Tư pháp là hoạt động xuất bản đã thực sự đi vào nề nếp, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, cũng như đáp ứng được nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân. Qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20, Bộ Tư pháp đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể đối với cơ quan Trung ương, với Nhà xuất bản Tư pháp.

Trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Chỉ thị mới của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị” (bao gồm đẩy mạnh xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử; cơ sở dữ liệu điện tử đối với sách lý luận, chính trị) phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước, gắn với tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012 liên quan đến các điều khoản quy định riêng đối với xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị; xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; nghiên cứu quy hoạch lại và chỉ cấp phép cho các nhà xuất bản có năng lực…


Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đánh giá cao dự thảo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ  thị số 20 của Bộ Tư pháp, đồng thời nêu lên một số vấn đề để Bộ Tư pháp tiếp tục làm rõ, hoàn thiện các nội dung của Báo cáo như: đánh giá về Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; các định hướng cho việc xây dựng tủ sách điện tử; đánh giá hiệu quả của việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong hoạt động của Bộ nói chung, của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng; việc quản lý, sử dụng sách lý luận, chính trị trong Thư viện của Bộ và Thư viện của các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo…

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Chỉ thị số 20 trong công tác xuất bản nói chung và xuất bản sách chính trị, lý luận nói riêng. Thực tế cho thấy, Chỉ thị số 20 đã giúp Bộ Tư pháp có thêm những nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị. Từ đó, thực hiện Chỉ thị số 20 một cách tích cực hơn, đặc biệt là phát triển thêm một số quan điểm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20, Thứ trưởng cũng đưa ra các đề xuất cụ thể như, tiếp tục phát triển, thực hiện những quan điểm, chủ trương trong Chỉ thị số 20; phải có quy định, tiêu chí cụ thể đối với các nhà xuất bản in ấn, xuất bản, phát hành các sách luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật và đạo luật, để đảm bảo chất lượng phát hành. Đồng thời chủ trương tăng cường các sách đặt hàng, xác định rõ chủ đề, kiểm soát chặt chẽ về mặt nội dung và hỗ trợ các công tác khác. Liên quan đến tủ sách pháp luật ở xã, phường địa phương, thị trấn, Thứ trưởng kiến nghị mỗi xã chỉ nên có một tủ sách, các đầu sách đưa về xã quản lý, cập nhật các đầu sách pháp luật làm phong phú hơn cho tủ sách...

Đọc thêm