Đối với công tác thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định. Tất cả các dự án, dự thảo đều được Bộ Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định theo đúng quy định. Ngoài thành phần bắt buộc theo quy định là Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao thì tùy theo tính chất của các dự án, dự thảo, Bộ Tư pháp còn mời đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, huy động các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, đại diện đối tượng chịu sự tác động của văn bản để đảm bảo ý kiến thẩm định chính xác, khách quan, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Nội dung thẩm định đã bám sát quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, trong đó chú trọng tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vấn đề về thủ tục hành chính, việc lồng ghép giới và kiên quyết không đưa các quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Việc thẩm định các thông tư là văn bản quy định chi tiết thời gian qua cũng đã được các Bộ tích cực quan tâm, chỉ đạo đầu mối là tổ chức pháp chế thực hiện. Theo đó, hoạt động này cũng dần đi vào nề nếp, đánh giá, thẩm định được đúng chất lượng của dự thảo văn bản.
Thông qua công tác thẩm định, Bộ Tư pháp nhận thấy các nghị định, nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã đảm bảo quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Các quy định bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi, bảo đảm chất lượng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Những dự án không đủ điều kiện trình Chính phủ đều được Bộ Tư pháp kết luận cụ thể, nêu rõ ký do chưa đủ điều kiện.
Đối với công tác kiểm soát TTHC, từ 1/8/2019-1/8/2020, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 278 TTHC tại 55 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL có quy định TTHC do các Bộ chủ trì soạn thảo. Trong đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị không quy định 18 thủ tục; đề nghị sửa đổi 201 thủ tục; đề nghị quy định bổ sung 4 thủ tục. Có thể nói, công tác thẩm định quy định TTHC tại Bộ Tư pháp được triển khai tích cực, hiệu quả theo đúng quy định về kiểm soát TTHC. Ý kiến thẩm định TTHC về cơ bản đã được các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu tại cuộc họp thẩm định và làm cơ sở để hoàn thiện đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản, giúp nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thẩm định, kiểm soát TTHC đối với dự án, dự thảo VBQPPL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: mức độ đánh giá, nhận xét nội dung của từng văn bản cần thẩm định chưa đồng đều về mặt quy mô và chất lượng; tính phản biện trong văn bản thẩm định còn chưa cao, chưa góp phần tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng; việc thẩm định chủ yếu tập trung ở các khía cạnh pháp lý, chưa mang tính tư vấn sâu về nội dung. ..
Vì vậy, để nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, dự thảo VBQPPL, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo, đơn vị thẩm định và các cơ quan, đơn vị khác trong quá trình thẩm định, tiếp thu ý kiến. Hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các nhóm chủ thể còn chưa chặt chẽ, quan điểm của từng nhóm chủ thể đôi khi chưa hài hòa với mục đích chung của văn bản. Do đó, các cơ quan này cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc cung cấp thông tin, đánh giá vấn đề thông qua cơ chế họp và phối hợp liên ngành.
Cùng với đó, các Bộ, ngành cũng cần quan tâm triển khai sâu rộng hơn việc lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cần thẩm định; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế để góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL ở cơ quan, đơn vị.