Nâng cao chất lượng tham gia trợ giúp pháp lý của các cấp Hội Luật gia

(PLVN) - Ngày 11/10, Cục Trợ giúp pháp lý và Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia trợ giúp pháp lý của các trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp”.
Quang cảnh Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm.

Chưa tương xứng với nguồn lực hiện có

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) Cù Thu Anh, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định của Luật TGPL năm 2017, các tổ chức tham gia TGPL bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật (trong đó có các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp) ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp thực hiện hoặc đăng ký tham gia TGPL bằng nguồn lực của chính tổ chức đó. Việc đa dạng hoá chủ thể cung cấp dịch vụ với các cơ chế này sẽ thu hút và lựa chọn được các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp có các điều kiện đáp ứng yêu cầu TGPL của người dân, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức thực hiện TGPL.

Với những quy định rõ ràng, thuận lợi trên, trong những năm qua, hoạt động TGPL của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp ngày càng hiệu quả, phương thức hoạt động được đổi mới, hướng về cơ sở. Một số Trung tâm đã tham gia vào việc thực hiện TGPL cho các đối tượng chính sách, người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Tuy nhiên, qua báo cáo của các Sở Tư pháp, Cục TGPL thấy rằng việc tham gia TGPL theo Luật TGPL của các Trung tâm tư vấn pháp luật hiện chưa tương xứng với nguồn lực hiện có của các tổ chức này.

Chia sẻ cụ thể hơn về thực trạng tham gia TGPL của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp theo quy định của Luật TGPL, bà Phan Thị Thu Hà (Cục TGPL) cho biết, đến nay, bộ máy làm công tác tư vấn pháp luật và TGPL được phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, hầu hết Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đều đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, nhiều nơi phát triển thêm các chi nhánh ở các quận huyện, xã phường. Theo thống kê, hiện có 128 Trung tâm tư vấn pháp luật, trong đó Trung ương Hội có 10 Trung tâm, 118 Trung tâm, chi nhánh của Trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, quận, huyện.

Tại trụ sở các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia đều có bảng thông tin về diện người được TGPL, trình tự, thủ tục yêu cầu TGPL. Hàng năm, các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam cung cấp miễn phí tư vấn pháp lý, thông tin pháp luật và các văn bản pháp lý cho hàng nghìn người dân, từng bước giành được uy tín với công chúng. Hội đã có sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài cho một số hoạt động tập huấn kỹ năng và kiến thức về luật pháp mới cho các nhân viên và chuyên gia tư vấn của mình tại các Trung tâm tư vấn pháp luật.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như số Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia TGPL còn hạn chế so với tổng số Trung tâm trong toàn quốc (44/128 Trung tâm), số vụ việc TGPL do Trung tâm thực hiện còn ít. Chưa có đánh giá về việc tham gia của xã hội đối với hoạt động TGPL. Chưa có đánh giá cụ thể về nội dung phát hiện, giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm TGPL nhà nước ở địa phương và Trung tâm TGPL nhà nước giới thiệu khách hàng cho các Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp tiếp người không thuộc diện được TGPL…

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tham gia TGPL của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp; nâng cao hiệu quả phối hợp của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp với các tổ chức thực hiện TGPL khác trong việc thực hiện các hoạt động TGPL theo quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bà Phạm Thu Hương (Hội Luật gia TP Hà Nội).

Bà Phạm Thu Hương (Hội Luật gia TP Hà Nội).

Bà Phạm Thu Hương (Hội Luật gia TP Hà Nội) kiến nghị, để người dân, người thuộc diện được TGPL nắm bắt được các thông tin về TGPL và các lĩnh vực pháp luật khác. Cần đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền về TGPL (qua báo đài, phát thanh, truyền hình, internet…) phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, chẳng hạn xây dựng video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật; đối với các dân tộc có chữ viết thì biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc, có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan thông tin, đại chúng.

Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên và luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL theo hướng kết hợp giữa tự học, tự nghiên cứu hoàn thiện mình với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng làm việc. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm tư vấn pháp luật nhà nước tỉnh với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội…) để phát hiện và TGPL kịp thời cho người thuộc diện được TGPL. Tăng cường quản lý nhà nước về TGPL …

Bà Hà Thị Bàn (Hội Luật gia tỉnh Yên Bái) đề nghị Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và Cục TGPL tăng cường công tác tập huấn cho các tư vấn viên pháp luật, các hội viên Hội Luật gia, các trợ giúp viên pháp lý các tỉnh, thành về kỹ năng cũng như việc nâng cao khả năng trong hoạt động TGPL cho các đối tượng, đây là khâu then chốt trong việc tăng cường năng lực cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật và trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động TGPL thông qua các cuộc tập huấn. Bà cũng mong muốn các cơ quan Trung ương cần có chính sách phù hợp nhằm thu hút sự quan tâm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội tham gia vào công tác TGPL.

Về phía địa phương, theo bà Bàn, Trung tâm TGPL với các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh và Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức, tổ chức chính trị xã hội cần xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện TGPL hàng năm, trong đó bao gồm cả việc ký phối hợp trong hoạt động TGPL theo từng lĩnh vực, hình thức, đối tượng cụ thể. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan chức năng để TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Một số ý kiến thì cho rằng cần chú trọng bổ sung đội ngũ tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật; bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động tư vấn…

Đọc thêm