Nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp phong tỏa để thi hành án

(PLVN) -Để áp dụng được biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng biện pháp này còn gặp nhiều khó khăn.

Còn tình trạng tình trạng chậm cung cấp thông tin

Phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án là một trong các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 67, Điều 71, Điều 76 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THADS.

Theo Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Điểm d khoản 7 Điều 10 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng quy định: Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phải do các cá nhân sau đây ký:… Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các cơ quan thi hành án, chấp hành viên đang tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án. Tuy nhiên Luật các tổ chức tín dụng không đề cập đến việc yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án. Trong khi đó, theo quy định của Luật THADS thì người được thi hành án cũng có quyền xác minh điều kiện thi hành án. Do đó cần nghiên cứu bổ sung quy định của Luật THADS và Luật các tổ chức tín dụng để thống nhất về đối tượng được yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người phải thi hành án vẫn có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. Mặc dù Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN quy định: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản của người phải thi hành án hoặc tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” tuy nhiên trong thực tiễn, tình trạng chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin tài khoản chưa đầy đủ, tiết lộ thông tin… vẫn diễn ra mà chưa có biện pháp khắc phục và chế tài ngăn chặn hiệu quả.

Cần bổ sung các chế tài xử phạt

Khoản Điều 76 Luật THADS quy định: “Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan THADS hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ.” khoản 2 Điều 20 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng có quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức: “ Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó. Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra”.

Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng có quy định: “Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”. Khoản 6 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “ Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án”; Khoản 7 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.”

Tuy nhiên trong thực tiễn, không dễ để có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng, Ngân hàng, tố chức kinh tế trong việc không phối hợp với cơ quan THADS trong thực hiện khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Do đó, ngoài các chế tài hành chính, có thể xem xét bổ sung thêm các chế tài xử phạt khác áp dụng trực tiếp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó như: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không chấp hành quyết định khấu trừ tài khoản của cơ quan thi hành án hoặc quy định các chế tài khác đủ mạnh …để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Đọc thêm