Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

(PLO) - Năm 2018, công tác xây dựng, ban hành pháp luật, kiểm tra văn bản QPPL đã có những chuyển biến tích cực, nâng cao về chất lượng, hiệu quả hơn so với các năm trước. 

Bên cạnh việc nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đối với các cơ quan cấp bộ và địa phương trong việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản, Bộ Tư pháp luôn quan tâm bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm công tác kiểm tra, bám sát hơn với thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của các cơ quan cấp bộ, địa phương và đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện và kết luận theo thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,  

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Đồng Ngọc Ba cho biết Cục đã tiến hành kiểm tra 5.557 văn bản (648 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 4.909 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh); phát hiện và đã kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh). Việc xử lý văn bản trái pháp luật nhìn chung được các cơ quan thực hiện khá nghiêm túc, kịp thời. Đặc biệt, tính đến ngày 21/12/2018, có 52/84 văn bản đã được xử lý; 32 văn bản chưa xử lý (trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý).

Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản cho thấy, trong năm 2018, việc thực hiện công tác này trên cả nước đã góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực đến xã hội, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Công tác kiểm tra văn bản QPPL cùng với công tác rà soát văn bản QPPL đã từng bước nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL, tạo cơ sở để thống nhất về cơ chế, chính sách, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, tạo môi trường và hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật trong thời gian tới, ông Ba đề xuất các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương thực hiện các các giải pháp như quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra văn bản QPPL là một bộ phận quan trọng, thiết yếu của công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản QPPL; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ; quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực và chế độ, chính sách cho công chức làm công tác xây dựng pháp luật nói chung, kiểm tra văn bản QPPL nói riêng gắn với việc đổi mới cách thức tổ chức công việc để bảo đảm thực hiện có chất lượng, hiệu quả các công tác này… 

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp để tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản đạt được những hiệu quả tốt hơn, đặc biệt là ở các bộ, ngành địa phương. Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa Bùi Đình Sơn đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; các vi phạm, sai phạm khi thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc theo đơn khiếu nại, tố cáo phát hiện có vi phạm sau thời hiệu thì không còn hiệu lực và không có cơ sở xử lý làm hạn chế tính răn đe và công minh của pháp luật. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp Đồng Nai Võ Thị Xuân Đào cũng kiến nghị Bộ Tư pháp cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra văn bản QPPL; tăng cường phối hợp kiểm tra với địa phương để kịp thời phát hiện các văn bản trái pháp luật; tạo điều kiện để địa phương đỡ khó khăn khi triển khai các văn bản QPPL…

Đọc thêm