Theo đó, từ 01/6/2017, cơ chế một cửa được áp dụng tại các cơ quan THADS trên toàn quốc. Sau một thời gian thực hiện, cơ chế một cửa đã tạo ra một số chuyển biến trong công tác THADS như việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được thực hiện nhanh chóng, chính xác; trách nhiệm của từng bộ phận tham gia giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức được nâng cao.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trực tuyến thi hành án đã tạo thuận lợi cho đương sự, mang lại nhiều lựa chọn và tiện lợi, phù hợp với xu thế áp dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính hiện nay, được người dân đánh giá cao và hài lòng, nhất là đối với những người ở xa cơ quan THADS.
Mặc dù mô hình một cửa trong THADS được người dân và Tổng cục THADS đánh giá là có nhiều ưu điểm, nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ chưa nhiều. Nhiều người dân còn chưa biết đến mô hình này, ở các địa bàn miền núi, nông thôn, việc thực hiện scan giấy tờ, tài liệu để gửi kèm hồ sơ gặp không ít khó khăn nên mô hình này còn ít được người dân quan tâm…
Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về việc thực hiện cơ chế một cửa trong THADS cần tiếp tục được quan tâm, phổ biến rộng hơn.
Cần có sự phân biệt cơ chế một cửa tại cơ quan THADS khác với cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính đơn thuần. Trình tự thủ tục theo cơ chế một cửa của THADS có những đặc thù riêng.
Thực tế đã có những trường hợp khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thi hành án theo cơ chế một cửa, mặc dù cán bộ hướng dẫn đã giải thích ngày trả kết quả là giao quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã nộp nhưng người dân lại hiểu rằng kết quả đó là quyền lợi họ được nhận theo bản án (không phải là quyết định thi hành án). Bởi vậy, cần có những quy định hướng dẫn, giải thích cụ thể để người dân hiểu rõ hơn về hoạt động này.
Các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn các thủ tục hành chính một cửa, có phần chồng lắp trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, khi bộ phận một cửa trả kết quả đối với yêu cầu thi hành án theo cơ chế một cửa, người nhận kết quả đã ký nhận quyết định thi hành án vào phiếu lưu hẹn, sau đó cơ quan THADS thực hiện trả kết quả yêu cầu thi hành án thông qua việc giao quyết định thi hành án cho đương sự có yêu cầu.
Tuy nhiên, sau đó chấp hành viên vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục giao Quyết định thi hành án cho đương sự do trong hồ sơ thi hành án chưa thể hiện việc giao Quyết định này. Đây cũng là một vấn đề cần được quy định rõ, tránh trùng lặp thủ tục và phát sinh thêm công việc cho chấp hành viên.
Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian, thủ tục, chi phí cho người dân. Việc nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến qua mạng internet vẫn chưa được thực hiện rộng rãi.
Về hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án, tại Cục và các Chi cục THADS cần bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, thường xuyên truy cập hộp thư điện tử để kịp thời tiếp nhận thông tin của người dân yêu cầu và cần ấn định rõ thời gian tiếp nhận…
Để tháo gỡ những vướng mắc trên và tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trong điều kiện biên chế hạn hẹp như hiện nay, các cơ quan THADS cần chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và xây dựng các phần mềm chuyên nghiệp.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng rộng rãi phương thức đổi mới này; khảo sát, lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan THADS làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính.