Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành trong tố tụng

Từ khi thành lập năm 2008 đến nay, HĐPHLN mà đầu mối là Sở Tư pháp Phú Thọ đã tích cực chỉ đạo mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) cử người thực hiện TGPL có đủ năng lực, trình độ tham gia vào quá trình tố tụng nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp cho đối tượng thuộc diện TGP

Thời gian qua, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (HĐPHLN) ở tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Hình minh họa

Từ khi thành lập năm 2008 đến nay, HĐPHLN mà đầu mối là Sở Tư pháp Phú Thọ đã tích cực chỉ đạo mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) cử người thực hiện TGPL có đủ năng lực, trình độ tham gia vào quá trình tố tụng nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp cho đối tượng thuộc diện TGPL (tổng số vụ việc TGPL qua các giai đoạn tố tụng đạt khoảng 1.200 vụ việc).

Nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng đã tích cực giới thiệu đối tượng được hưởng chính sách TGPL đến với mạng lưới tổ chức thực hiện, cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người được TGPL đúng thời hạn, trình tự, thủ tục. Qua thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc, 100% vụ việc trên đều đạt yêu cầu theo tiêu chí đặt ra.

Nhiều vụ việc thực hiện thành công không chỉ giúp đỡ cho người được TGPL bảo đảm quyền lợi hợp pháp mà còn có ý nghĩa đối với yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao uy tín của hoạt động TGPL trong các cơ quan, ban ngành và mọi người dân.

Tuy nhiên, hiện nay HĐPNLN ở tỉnh Phú Thọ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình, hiệu quả hoạt động. Đó là: Hội đồng chưa có nguồn kinh phí để triển khai các nhiệm vụ; việc thanh kiểm tra về cơ chế phối hợp chưa được tiến hành đồng bộ, thường xuyên; nhiều thành viên trong Hội đồng chưa đưa nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị gắn với hoạt động TGPL; chế độ làm việc kiêm nhiệm của các thành viên Hội đồng, bộ máy thực hiện TGPL mới bước vào giai đoạn củng cố, kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa cũng là những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Vì vậy, để HĐPHLN tại tỉnh Phú Thọ ngày càng mở rộng, phát triển thì cần thiết phải có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra chính là: Các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, bảo đảm đầy đủ nguồn kinh phí dành cho hoạt động của Hội đồng; có những quy định bổ sung về chế tài pháp lý xử lý nghiêm minh các trường hợp tham gia vào mối quan hệ phối kết hợp nhưng còn thiếu tinh thần, trách nhiệm.

Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thiết lập toàn diện các hoạt động phối hợp với tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL; có nguồn kinh phí dành riêng cho những nhiệm vụ đã được quy định trong Thông tư liên tịch 10.

Để có đảm bảo cơ chế phối hợp được thông suốt, Hội đồng cần nhanh chóng chỉ đạo xây dựng chương trình giao kết giữa tổ chức thực hiện TGPL với từng hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia vào mối quan hệ phối kết hợp để có biện pháp chẩn chỉnh, xử lý.

Định kỳ tiến hành việc sơ tổng kết nhằm đánh giá chính xác, toàn diện tình hình hoạt động để đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp kịp thời. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng gắn với nhiệm vụ được giao, kết nạp bổ sung một số thành viên mới ở cấp huyện, kiện toàn lại bộ máy giúp việc theo hướng chuyên nghiệp hóa, quản lý nghiệp vụ sát sao mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, đẩy mạnh hiệu quả của việc đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng để qua đó từng bước đáp ứng ngày một tốt hơn với tình hình thực tế đang đặt ra hiện nay...

Đoàn Hữu Văn (Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Thọ)

Đọc thêm