Nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã ở Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Cà Mau quan tâm. Từ khi hình thành đến nay, khu vực kinh tế tập thể nhất là hợp tác xã đã có nhiều bước tiến quan trọng.

Cải thiện đời sống cho khu vực kinh tế tập thể

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, thời gian gần đây, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể tỉnh, nhất là các hợp tác xã tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá, nhiều hợp tác xã duy trì sản xuất ổn định, tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập thường xuyên cho thành viên, người lao động trong hợp tác xã. Từ đó, tạo được lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên và người lao động, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cải thiện đời sống cho khu vực kinh tế tập thể.

Có nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt có hợp tác xã đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ông Huỳnh Quốc Việt – Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (đứng thứ 3, từ trái sang), thăm mô hình HTX nông nghiệp Dân Phát (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình).

Ông Huỳnh Quốc Việt – Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (đứng thứ 3, từ trái sang), thăm mô hình HTX nông nghiệp Dân Phát (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình).

Ông Nguyễn Trọng Nhân - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhìn chung, năm 2022, một số hợp tác xã đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, từng bước phát triển sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP, tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã đã giải quyết một số vấn đề xã hội như: xóa đói, giảm nghèo, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia đề án xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, phát huy thế mạnh của kinh tế địa phương.

Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố Cà Mau mở lớp tập huấn truyền nghề, phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tập thể cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ hợp tác xã miền Nam tổ chức lớp sơ cấp quản lý, điều hành hợp tác xã đạt 100% kế hoạch”.

Thời gian gần đây, chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hỗ trợ tốt cho hợp tác xã phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện khâu liên kết. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức một số chương trình, dự án lồng ghép nhằm hỗ trợ cho hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị trong một số ngành hàng như hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng các chứng nhận trong nước và quốc tế.

Phát huy thế mạnh của kinh tế địa phương

Ông Hùng Xuân Diện - Giám đốc hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) chia sẻ: “Hợp tác xã có thể phát triển hay không còn tùy thuộc vào thực hiện liên kết chuỗi. Để thực hiện liên kết chuỗi chặt chẽ không bị đứt gãy thì cần có sự phối hợp giữa 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh và người tiêu dùng); ổn định bao tiêu sản phẩm, thống nhất giá cả, chất lượng giống. Đồng thời, cần quan tâm đến đào tạo nguồn lực trẻ, có khả năng tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm được sự biến động của cơ chế thị trường.”.

HTX dịch vụ sản xuất Lúa Tôm Trí Lực, ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), đã thành công trong xây dựng được thương hiệu gạo địa phương.

HTX dịch vụ sản xuất Lúa Tôm Trí Lực, ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), đã thành công trong xây dựng được thương hiệu gạo địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Thánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết: "Hiện nay, hợp tác xã trong tỉnh tiếp tục phát triển, là cầu nối tuyên truyền Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; góp phần giải quyết một số vấn đề về xã hội như: giải quyết việc làm xóa nghèo bền vững, tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, phát huy những mô hình kinh doanh mới, hiệu quả kinh tế cao, phát huy thế mạnh của kinh tế địa phương."

Đặc biệt, một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tạo được lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên và người lao động, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể như hợp tác xã: Nghêu Đất Mũi, Hầm than Tân Phát, Đồng Khởi, Tân Phát Lợi,...

“Để kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, thực hiện liên kết chuỗi giá trị được thông suốt mang lại lợi ích cho các bên thì giữa doanh nghiệp và hợp tác xã cần thực hiện liên kết thông qua hợp đồng. Trong đó, phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết, trung thực trong báo cáo sản lượng, chất lượng hàng hóa, quy trình sản xuất; đảm bảo cam kết tham gia từ các thành viên hợp tác xã” - ông Nguyễn Đức Thánh nhấn mạnh.

Đọc thêm