Thực tiễn cho thấy trong công tác phối hợp với Tòa án, việc chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện còn chậm, không gửi kèm các tài liệu liên quan theo đúng quy định, Tòa án chưa thông báo bằng văn bản cho cơ quan THADS về trách nhiệm dân sự trong bản án, quyết định của vụ án hình sự.
Một số vụ việc cần phải có đính chính, giải thích quyết định, bản án của Tòa án nhưng chưa thực hiện đúng theo quy định. Có những trường hợp, cơ quan THADS đề nghị nhiều lần nhưng chưa nhận được trả lời hoặc trả lời chung chung của cơ quan Tòa án có thẩm quyền, gây khó khăn cho việc tổ chức THA.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát trong việc xử lý các bản án tuyên có sai sót, khó thi hành thời gian qua đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, một số nơi chỉ dừng lại ở việc thống kê, phân loại chưa có giải pháp cụ thể hoặc việc tổ chức giải quyết vụ việc còn chậm trễ, thiếu quyết liệt, thiếu đồng thuận giữa các cơ quan liên ngành dẫn đến có những vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được thi hành.
Đối với cơ quan Công an, công tác phối hợp hiện nay vẫn dừng lại ở một chừng mực nhất định. Việc phối hợp cưỡng chế giữa cơ quan Công an và cơ quan THADS về cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định nhưng có một số trường hợp phối hợp chưa kịp thời, chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, gửi quyết định, tài liệu cho Viện kiểm sát để nghiên cứu, chuẩn bị tham gia cưỡng chế chưa kịp thời.
Ngược lại, có những trường hợp cơ quan THADS xây dựng kế hoạch cưỡng chế sơ sài, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan, đặc biệt với những vụ án phức tạp chưa mô tả chi tiết, trình tự thực hiện, vị trí, địa hình, địa vật khu vực cưỡng chế, làm cơ sở cho việc tham gia và xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế.
Trong phối hợp với trại giam, vẫn còn một số trại giam khi tiếp nhận phạm nhân vào chấp hành hình phạt tù hoặc phạm nhân được chuyển trại nhưng chưa kịp thời thông báo cho cơ quan THADS nơi xét xử sơ thẩm về nơi chấp hành hình phạt tù của người phải THA, khiến cơ quan THADS không nắm được thông tin về đương sự, gây khó khăn trong quá trình tổ chức THA.
Ngoài ra, công tác phối hợp với trại giam trong việc trả tài sản cho người phải THA là phạm nhân đang chấp hành án cũng gặp không ít khó khăn. Thực tế, trại giam thường từ chối đề nghị phối hợp trả tài sản cho phạm nhân với lý do không xác định được chất lượng của tài sản được trao trả có đúng như Tòa án đã tuyên trả hay không.
Đối với các trường hợp này, cơ quan THADS thường hướng dẫn phạm nhân làm văn bản ủy quyền cho thân nhân đến nhận thay, trường hợp không nhận được sự hỗ trợ, cộng tác của phạm nhân hoặc thân nhân của họ thì rất khó xử lý, đặc biệt là trường hợp tài sản trả lại có giá trị không lớn, thậm chí không còn giá trị.
Về phối hợp với Viện kiểm sát, các cơ quan này chưa kịp thời có ý kiến với Tòa án trong việc trả lời kiến nghị, giải thích bản án, quyết định theo đề nghị của cơ quan THADS; chưa có ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện THA, cung cấp thông tin về tài sản, thực hiện các biện pháp phong tỏa, cưỡng chế tài khoản tại các tổ chức tín dụng… Do vậy, các cơ quan Viện kiểm sát chưa phát huy hết vai trò trong công tác phối hợp liên ngành để kịp thời giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực THADS.
Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp cần tiếp tục quán triệt đầy đủ nội dung Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCATANDTC-VKSNDTC ngày 9/10/2013 gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Từ đó tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả các nội dung Quy chế đề ra, trong đó tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong giải quyết dứt điểm những vụ việc lớn, phức tạp, tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt đối với các vụ việc liên quan đến giao tài sản đấu giá, phối hợp thống nhất hướng dẫn vướng mắc về pháp luật khi có phát sinh trong quá trình tổ chức THA.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh công tác xây dựng thể chế, nhất là các nội dung liên quan đến THADS để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao tính khả thi của các bản án, quyết định. Cần quy định chặt chẽ và có chế tài cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan hữu quan với cơ quan THADS. Pháp luật về chuyên ngành cũng phải có quy định đầy đủ về vấn đề phối hợp này để các cơ quan cùng thực hiện đầy đủ, thống nhất, hạn chế thiếu sót trong công tác phối hợp.
Song song với đó, cần chú trọng hơn tới công tác tự kiểm tra, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện Quy chế của từng ngành. Mỗi ngành cần định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết Quy chế để đánh giá kết quả, tồn tại, kịp thời khắc phục hạn chế, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập để phù hợp với quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS và tình hình thực tiễn để nâng cao hiệu quả của công tác THADS./.