Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong quản lý kho vật chứng

(PLVN) - Bảo quản vật chứng và quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự (THADS) giữ vai trò quan trọng trong việc phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và tổ chức thi hành án, góp phần đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả, toàn diện. Do đó, công tác này đã được hệ thống cơ quan THADS và các ngành liên quan chú trọng phối hợp thực hiện.

Từng bước đi vào nề nếp

Trong năm vừa qua, Viện KSND tối cao đã phối hợp với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với Viện KSND cùng cấp và công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản kê biên, tạm giữ trong THADS tại một số cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện.

Kết quả kiểm tra cho thấy công tác phối hợp liên ngành tại các địa phương đã được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật và quy chế phối hợp liên ngành trong việc: lập danh sách và chuyển giao các quyết định về thi hành án; trả lời kiến nghị, kháng nghị; đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; lập kế hoạch và thực hiện cưỡng chế thi hành án; quá trình tiêu huỷ vật chứng, tài sản…

Về công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng của cơ quan THADS: Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016, Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/1/2017 và Tổng cục THADS có văn bản chỉ đạo, các đơn vị đã kịp thời quán triệt, phổ biến và có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tới toàn thể công chức của các Cục và Chi cục THADS trực thuộc về những nội dung liên quan đến công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng. Do đó, công tác này đã từng bước đi vào nề nếp, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giao, nhận vật chứng đã được thực hiện có hiệu quả; công tác kiểm kê, phân loại, xử lý vật chứng được tổ chức định kỳ; việc phối hợp giữa Chấp hành viên, kế toán nghiệp vụ và Thủ kho được phối hợp thường xuyên, chặt chẽ.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số tài liệu, chứng từ chưa ghi đầy đủ các nội dung, thông tin theo quy định cụ thể. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý vật chứng tồn đọng kết quả còn thấp; một số vật chứng chưa được dán nhãn theo quy định. Một số nội dung trong việc lập, quản lý, sử dụng và bảo quản các loại sổ sách liên quan đến vật chứng òn chưa đúng quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 của Bộ Tư pháp và Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính…

Thực hiện nghiêm Quy trình tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng

Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý kho vật chứng, ngày 27/12/2019, Vụ Nghiệp vụ 2 đã tham mưu cho Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS ký Quyết định số 1478/QĐ-TCTHADS ban hành Quy trình tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS. Sau đó, Lãnh đạo Tổng cục đã ban hành Công văn số 215/TCTHADS-NV2 ngày 21/01/2020 về việc triển khai thực hiện Quy trình tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS. 

Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương quán triệt đầy đủ nội dung của Quy trình đến các Chấp hành viên, Thủ kho, Kế toán nghiệp vụ và toàn thể các cán bộ, công chức của đơn vị. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện Quy trình. Quá trình thực hiện Quy trình phải thường xuyên kiểm tra, đối chiếu đảm bảo thống nhất giữa vật chứng, tài sản tạm giữ thực tế với vật chứng, tài sản tạm giữ thể hiện trên sổ sách; thực hiện nghiêm công tác kiểm kê và chế độ báo cáo về Tổng cục THADS theo đúng quy định. 

Cùng với đó, Lãnh đạo Tổng cục cũng đề nghị Cục trưởng các cơ quan THADS địa phương chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phối hợp với VKSND, cơ quan công an, cơ quan tòa án, cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện đúng quy định tại Quy chế phối hợp liên ngành tư pháp trung ương số 14/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao ngày 09/10/2013 và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật THADS, Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật THADS; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT – BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong việc ban hành các quyết định về thi hành án và việc chuyển giao đúng thời hạn cho VKSND và các cơ quan chức năng; về chuyển giao các quyết định, tài liệu liên quan đến kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản đảm bảo thi hành án; việc giao nhận, quản lý, xử lý tang vật, tài sản tạm giữ được thu hồi trong quá trình tiến hành tố tụng trước khi ban hành quyết định thi hành án.

Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện vi phạm, tồn tại, hạn chế và có biện pháp xử lý hoặc có yêu cầu, kiến nghị phù hợp đối với việc tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với VKSND cùng cấp trong việc kiểm tra chuyên đề và kiểm tra đột xuất về công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS. 

Đọc thêm