Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, mục tiêu của Đề án là triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thực chất, hiệu quả, hiện đại nhằm tổ chức thực thi hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu của Đề án còn nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật.
Giám đốc Văn phòng Dự án NLD tại Việt Nam Jacob Gammerlgaard đã khẳng định tầm quan trọng của Đề án. Theo đó, Đề án sẽ giúp xử lý thách thức chính trong quá trình xây dựng pháp luật của Việt Nam, đồng thời Đề án đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thực hiện. Ông Jacob cũng cho biết, Đề án đề cập đến các vấn đề chính như cơ cấu, tổ chức liên quan đến xây dựng và phát triển luật pháp; quá trình lập kế hoạch xây dựng pháp luật và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ông Jacob cũng nhấn mạnh 2 vấn đề khác của Đề án là pháp luật phải thể hiện được nhu cầu của xã hội thông qua việc lấy ý kiến và tham vấn ý kiến của công chúng; đưa ra được lợi ích từ việc lấy ý kiến công chúng và thông qua đó đạt được mục tiêu chính sách trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật.
Hội thảo diễn ra trong một ngày với nhiều tham luận sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.