Nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân tại vùng bán đảo Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, Cà Mau và Bạc Liêu đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp ứng phó, trong đó ưu tiên xây dựng các công trình, giải pháp phi công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Chuyển đổi sản xuất để thích ứng

Cà Mau là tỉnh thuộc vùng bán đảo Cà Mau, chịu tác động của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng… theo ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Bán đảo Cà Mau là một trong những vùng chịu tác động nặng nề nhất bởi hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, bình quân nước biển dâng cao trung bình khoảng 10cm/năm. Cụ thể, diện tích bị nước mặn xâm nhập hầu như toàn tỉnh Cà Mau, trừ vùng U Minh Hạ và một phần của huyện Trần Văn Thời”.

Các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau chủ động xây dựng nhiều công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau chủ động xây dựng nhiều công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do đó, diện tích sản xuất lúa của nông dân tại các vùng ngọt cũng bị ảnh hưởng rất lớn và diện tích bị thu hẹp dần. Trước tình tình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chuyển đổi sản xuất. Trong đó, diện tích sản xuất lúa không hiệu quả được chuyển sang nuôi tôm hoặc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân tỉnh Cà Mau, nhất là nước sạch nông thôn. Trước thực tế trên, Cà Mau đã xây dựng nhiều giải pháp như dự trữ, sử dụng nguồn nước mưa, khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, khai thác nước ngầm sẽ gây ra sụt lún đất. Mùa khô 2019 – 2020, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.000 vị trí sạt lở, sụt lún đất tại huyện Trần Văn Thời.

Cà Mau đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp ứng phó để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Cà Mau đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp ứng phó để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Trần Quốc Nam - Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Để đảm bảo công tác ngăn mặn, chống tràn, chống hạn, Cà Mau đã chủ động nâng cấp, sửa chữa bờ bao. Đến nay, hệ thống kênh mương toàn tỉnh đã được thông thoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư duy tu sửa chữa bờ bao để đảm bảo công tác ngăn triều cường, xâm nhập mặn đối với vùng Nam Cà Mau; ngăn mặn, chống tràn đối với vùng ngọt, đặc biệt là đối với vùng ngọt Trần Văn Thời”.

Đảm bảo nước mặn cho vùng nuôi trồng thuỷ sản

Từ khi cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đưa vào vận hành, ngăn mặn, trữ ngọt đã góp phần đảm bảo cho vùng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.

Từ khi cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đưa vào vận hành, ngăn mặn, trữ ngọt đã góp phần đảm bảo cho vùng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.

Trước tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng "thuận thiên". Đây được xem một trong những công trình giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân tại vùng bán đảo Cà Mau từ năm 2019 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Hồng Dân có diện tích canh tác lúa - tôm khoảng 24.700ha và xác định đây là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình lúa - tôm đã phát huy được hiệu quả bền vững, nhất là vùng chuyển đổi lúa trên đất nuôi tôm.

Trong các công trình điều tiết mặn - ngọt phục vụ cho vùng chuyển đổi, nhất là từ khi cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào vận hành, đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt cho huyện Hồng Dân nói riêng cũng như các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau và Hậu Giang. Năm 2022, các công trình thủy lợi của tỉnh Bạc Liêu đã phát huy rất hiệu quả, đảm bảo được nước mặn cho vùng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn”.

Theo quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, tỉnh Cà Mau được chia làm 2 vùng, bao gồm vùng Bắc Cà Mau (được chia làm 5 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái ngọt với tổng diện tích 204.000ha và vùng Nam Cà Mau (được chia làm 18 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái mặn - lợ với tổng diện tích 314.000ha. Đến thời điểm hiện nay, vùng Bắc Cà Mau đã đầu tư hoàn chỉnh được tiểu vùng 2 và 3; vùng Nam Cà Mau đầu tư được các tiểu vùng 2, 3, 5, 10, 17, 18, còn lại các tiểu vùng khác của 2 vùng chỉ đầu tư bờ bao tiểu vùng là chính (chưa khép kín).

Vùng Nam Cà Mau có 18 tiểu vùng, nhưng mới chỉ khép kín được 4 tiểu vùng gồm tiểu vùng 2, 3, 5 và 10. Còn lại tiểu vùng 17, 18 chỉ mới đầu tư tương đối, chưa được khép kín. Đối với Bắc Cà Mau có 5 tiểu vùng, mới chỉ đầu tư khép kín được 2 tiểu vùng (tiểu vùng 2 và tiểu vùng 3), đây là tiểu vùng thuộc vùng ngọt hóa của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có 186 cống thủy lợi, 10 ô thủy lợi, trong năm 2022 đã tiến hành duy tu sửa chữa gồm 101 công trình. Trong đó, sửa chữa bờ bao 34 công trình, sửa chữa cống 11 công trình và nạo vét 30 công trình với tổng kinh phí 110 tỉ đồng.

Đọc thêm