Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19

(PLVN) - Sáng 16/11, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Tham dự Toạ đàm có bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

Nhiều mô hình hay, hiệu quả

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đầy khó khăn và thách thức như hiện nay, bà Ngô Quỳnh Hoa khẳng định công tác PBGDPL trong phòng, chống dịch bệnh càng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Thời gian vừa qua, nhiều mô hình, cách thức PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện được sự sáng tạo, đạt nhiều hiệu quả tích cực. Mỗi địa phương đều có sự chủ động trong triển khai các hình thức phổ biến pháp luật, hướng về cơ sở, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn hạn chế, tồn tại trong công tác PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Như: vẫn còn một số địa bàn, cơ sở chưa chủ động, phản ứng kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp trước những yêu cầu bối cảnh của thực tiễn; vẫn áp đặt tính chủ quan, chưa thực sự bám sát nhu cầu của từng đối tượng, từng vùng miền; hình thức PBGDPL mặc dù có đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhưng tính tương tác giữa các chủ thể thực hiện PBGDPL và các đối tượng thụ hưởng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chưa cao…

Để việc tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đạt hiệu quả hơn nữa, bà Hoa cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác PBGDPL; có sự quản lý, khảo sát từ thực tiễn để xác định đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; nhân rộng những mô hình, PBGDPL hay, có hiệu quả; nâng cao ý thức tự giác chấp hành đối với người dân để góp phần đẩy lùi dịch bệnh; đẩy mạnh các kênh truyền thông, thông tin về pháp luật phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Chia sẻ về cách thức tuyên truyền, PBGDPL linh hoạt, sáng tạo về phòng, chống dịch bệnh của thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, việc xác định công tác tuyên truyền phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện toàn diện, thường xuyên, đúng trọng tâm, đúng thời điểm. Do đó, từ khi dịch bệnh bùng phát, bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể Thành phố đã bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố để kịp thời truyền tải những chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố về công tác phòng, chống dịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Chủ động, sáng tạo triển khai các biện pháp PBGDPL

Cụ thể, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19,đặc biệt là vào những đợt cao điểm khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô có diễn biến phức tạp như thời điểm tháng 2, tháng 4, 5 và trong giai đoạn từ tháng 7 – đợt dịch thứ 4 đến nay. Tăng thời lượng, tần suất, nôi dung chuyên mục đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; sử dụng hệ thống tin nhắn điện tử qua zalo cho hơn 7 triệu thuê bao di động trên địa bàn Thành phố và qua mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; xây dựng mô hình “Cầu thang pháp luật” qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các toà nhà chung cư hoặc màn hình Led; thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch khi Hà Nội bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

Trong thời gian tới để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, bà Hương cho biết Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng báo, đài, phát thanh và truyền hình, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, các nhóm zalo, face book...; thường xuyên cập nhật thông tin, xây dựng và điều chỉnh các thông điệp, khuyến cáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch và phổ biến tình hình dịch bệnh bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp.

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên tuyền PBGDPL, ông Nguyễn Hồng Tuyến đã chia sẻ những đóng góp, kết quả cho công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống COVID-19 trên địa bàn thủ đô. Như: Tuyên truyền sâu rộng các Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các cấp của Hà Nội đến người dân thủ đô; tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị trực tuyến, Zalo, Facebook, các trang thông tin điện tử… Bên cạnh đó, Hội Luật gia đã in khoảng 20.000 tờ gấp, tài liệu tuyên truyền cho các đơn vị để việc tuyên truyền đạt hiệu quả. Đối với các đơn vị Hội luật gia ở cơ sở, viết hàng nghìn tin bài phát trên loa truyền thanh của xã phường thị trấn; tư vấn pháp luật qua điện thoại cho hơn 1.500 người; phát động tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu phòng chống dịch bệnh Covid-19…

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

Nhận định về tình trạng bùng nổ nhiều tin xấu, tin giả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ông Tuyến nêu ý kiến thông tin xấu, độc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống xã hội, gây hoang mang, làm giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền, đối với đội ngũ phòng chống dịch; giảm hiệu quả, kết quả của công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, để đấu tranh với tin giả, tin xấu, ông Tuyến cho rằng cần nâng cao trình độ chuyên môn của các cơ quan, cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh mạng, nhất là trong phát hiện, ngăn chặn tin xấu, tin độc trên mạng xã hội; chú trọng PBGDPL về an ninh mạng để người dân nâng cao cảnh giác, không phát tán tin độc, tin xấu trên môi trường mạng; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những hành vi vi phạm về an ninh mạng…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm