Nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật

(PLVN) -Thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2024), sáng 17/4, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên chủ trì Tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, sách là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về tri thức nhân loại đến người dân. Sách pháp luật là công cụ quan trọng, là phương tiện để thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa tri thức pháp lý đến người dân.

Điều 11 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định: Sách và tài liệu pháp luật là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, hiện nay, sách pháp luật rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức tiếp cận thông tin pháp luật thì văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc sách pháp luật nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; mỗi năm trung bình 1 người dân Việt Nam chỉ đọc tham khảo 4 đầu sách pháp luật; tình hình quản lý, khai thác sách pháp luật, thiết chế văn hóa thông tin cơ sở cũng nhiều khó khăn, cần giải pháp để giải quyết; số lượng người tìm đọc sách pháp luật chưa nhiều…

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên khai mạc tọa đàm.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên khai mạc tọa đàm.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên mong muốn Tọa đàm là nơi để trao đổi, đánh giá thực trạng văn hóa đọc sách pháp luật trong đó đánh giá kết quả đạt được, nhận diện các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò văn hóa đọc sách pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật.

Về vấn đề xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trong lực lượng Bộ đội Biên Phòng, Thượng tá Lương Khắc Của, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên Phòng cho biết, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong BĐBP luôn nhận thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua kênh xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật ở đồn biên phòng là một trong những việc làm tích cực và cần thiết, phục vụ công tác của BĐBP, đồng thời góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân.

Thượng tá Lương Khắc Của, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên Phòng phát biểu tại tọa đàm

Thượng tá Lương Khắc Của, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên Phòng phát biểu tại tọa đàm

Để phát huy hiệu quả Tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tự trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới, theo Thượng tá Lương Khắc Của cần triển khai thực hiện toàn diện và đồng bộ các sách pháp luật hoạt động của giải pháp cụ thể như: lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt của các đồn Biên phòng trong phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành văn hóa tư tưởng, tư pháp và bưu điện để xây dựng và tổ chức tốt hoạt động của tủ sách pháp luật trên địa bàn biên giới, biển đảo; tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp từng tuyến biên giới phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng cơ quan và trình độ dân trí từng vùng; nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại các đồn Biên phòng.

Một số đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Một số đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Tại Tọa đàm, để nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như: tiếp tục ban hành thể chế, chính sách để khuyến khích văn hóa đọc và thiết chế hiệu quả phục vụ văn hóa đọc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử; quan tâm đầu tư, xuất bản sách pháp luật dành cho đối tượng là người yếu thế trong xã hội.

Về hình thức khai thác, thường xuyên bổ sung, khai thác triệt để nguồn sách, báo, tài liệu có trong các thiết chế văn hóa, thông tin ở cơ sở, cộng đồng để phục vụ nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu; phổ biến rộng rãi, kịp thời các loại sách, báo, tài liệu pháp luật bằng hình thức thông tin thư mục, hướng dẫn tra cứu và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.

Đọc thêm