Tham dự lớp tập huấn có hơn 80 cán bộ, công chức đến từ Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân 12 tỉnh thành miền Trung- Tây Nguyên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, tranh chấp đầu tư quốc tế là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước dựa trên cơ sở các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế khác có quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam là thành viên; hoặc các hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức PPP, BCC, BOT, BT….
|
Vì thế, Thứ trưởng Ngọc yêu cầu các đại biểu mạnh mẽ trình bày các ý kiến của mình, trên tinh thần “cùng học, cùng trao đổi, cùng hoàn thiện”. Thứ trưởng Ngọc mong muốn lớp tập huấn thành công với những kiến thức và thông tin thiết thực không chỉ cho các đại biểu ở địa phương mà cả công tác tổ chức các lớp tập huấn tiếp theo.
Trong cả khóa tập huấn, các học viên đã nghe chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Pháp luật quốc tế đã trình bày 3 chuyên đề, bao gồm: Chuyên đề thứ nhất, khóa tập huấn được nghe ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp trình bày về vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế- Giới thiệu tổng quan các vấn đền pháp lý và kinh nghiệm. Chuyên đề cập nhật diễn biến mới nhất của tình hình tranh chấp đầu tư quốc tế và Việt Nam, số lượng vụ việc và xu hướng, một số vấn đề đáng lưu ý như: quốc tịch của nhà đầu tư (cá nhân pháp nhân), khoản đầu tư và cơ cở pháp lý, diễn đàn giải quyết tranh chấp, cũng như nêu lên các khuyến nghị dành cho Việt Nam.
|
Chuyên đề thứ hai, Phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế của Cơ quan nhà nước ở địa phương trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do ông Đỗ Văn Sử, chuyên gia đến từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày. Trong đó, tập trung vào các vấn đề vướng mắc giữa nhà đầu tư và Chính phủ, nguyên nhân các vướng mắc; nghĩa vụ bảo hộ đầu tư theo các FTAs; các quy định pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; một số nét đặc thù trong giải quyết tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư nước ngoài… Chuyên gia cũng khuyến nghị cách xử lý khi có vướng mắc, bất đồng với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên đề thứ ba, TS. Trần Anh Tuấn, chuyên gia đến từ Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp trình bày về một số căn cứ pháp lý phổ biến dẫn đến khởi kiện tranh chấp đầu tư quốc tế và cách thức ứng phó của cơ quan nhà nước ở địa phương. Chuyên đề trình bày về căn cứ khởi kiện tranh chấp đầu tư quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam; các loại tranh chấp; các lưu ý đối với phòng ngừa tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đầu tư quốc tế hoặc phát sinh từ các hiệp định đầu tư song phương (BITs), hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy định về đầu tư…
Phần thứ 2 của khóa tập huấn, các đại biểu tham gia 3 bài tập tình huống về giải quyết tranh chấp đầu tư dựa trên các vụ việc điển hình đã diễn ra tại một số địa phương trong cả nước. Các đại biểu chia nhóm với dự hướng dẫn của các chuyên gia, theo hình thức đóng vai, đại biểu chia nhóm làm đại diện cho nhà đầu tư và cho Chính phủ để thảo luận, tìm phương án giải quyết cho các tình huống nêu trên.
Trong khóa tập huấn, các đại biểu không chỉ sôi nổi và tích cực tham gia thảo luận, mà còn cập nhật tình hình quản lý đầu tư tại địa phương và các vướng mắc phát sinh để lớp tập huấn cùng tham gia thảo luận, tìm phương án xử lý. Khóa tập huấn diễn ra đến hết ngày 30/8.